1. Mới đây, NXB Tổng hợp TPHCM ra mắt ấn phẩm Phong vị Nam Hà của Vĩnh Thông. Ấn phẩm giúp bạn đọc có thể tìm hiểu về các danh nhân và sự kiện lịch sử bị khuất lấp trong bóng mờ của lịch sử, những di tích và giai thoại, nhiều tập tục đa dạng của các tộc người…, cũng như các loại hình diễn xướng dân gian, những yếu tố văn hóa được tiếp biến ở Nam bộ.
Lý giải về việc dùng chữ “Nam Hà” làm tên sách mà không phải là Nam bộ, Vĩnh Thông cho biết, đây chính là tên gọi khác của Đàng Trong, anh muốn sử dụng tên gọi này như một cách ôn lại dấu tích của tiền nhân. “Ngoài yếu tố lịch sử, tôi muốn liên tưởng đến cái tên ấy một cách thi vị, đó là dòng sông phương Nam. Bởi nói đến vùng đất Nam bộ là nói đến đời sống sông nước. Bởi thế, danh từ Nam Hà phần nào thể hiện được yếu tố đặc trưng nổi bật của địa văn hóa nơi đây”, Vĩnh Thông nói thêm.
Dù vùng đất Nam bộ đã hiện diện trong rất nhiều sáng tác cũng như công trình nghiên cứu của nhiều học giả, nhà nghiên cứu như Nguyễn Hiến Lê, Sơn Nam, Vương Hồng Sển…, nhưng Vĩnh Thông không lo ngại vì điều này, bởi theo anh, mỗi thế hệ có thế mạnh riêng, mỗi thời đại có góc nhìn riêng. Đối với cá nhân mình, anh có một vài góc nhìn mà bản thân cảm thấy tâm đắc, muốn mang đến cho độc giả. Đó có thể là những đề tài mới lạ, mà người đi trước chưa nghiên cứu như các bài Địa danh vồ Ông Bướm với nhân vật Achar Sva, Phong trào Thông Thiên học ở Việt Nam thế kỷ XX hay góc nhìn mới về đề tài cũ, có thể làm thay đổi những kết luận mà người đi trước đã đưa ra như các bài: Xác định lại thời điểm người Chăm đến Nam bộ, Một số vấn đề về chùa Bửu Lâm và tổ Tánh Nhẫn - Thiện Châu…
Theo chia sẻ của Vĩnh Thông, Nam bộ trong những trang viết đầu thế kỷ XXI chắc hẳn khác với trước đó, bởi bản chất của văn hóa là vận động và biến đổi. “Chúng ta không nên “đóng khung” rằng những thông tin được thế hệ trước nêu ra mới là văn hóa Nam bộ, nói đúng hơn đó là văn hóa Nam bộ ở thời điểm bấy giờ. Văn hóa Nam bộ ngày nay đã thay đổi so với trước đây, dĩ nhiên trong biến đổi có cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực, nhưng nó vẫn là văn hóa Nam bộ của thời điểm hiện nay”, anh cho biết.
2. Vào năm 2012, ở tuổi 16, Vĩnh Thông bất ngờ trình làng tập thơ đầu tay Và quá khứ thấy ta, nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của những người trong giới. Tưởng rằng con đường sáng tác của Vĩnh Thông được bắt đầu từ đây, nhưng tốt nghiệp THPT, anh lại lựa chọn theo học khoa Văn hóa học (Trường ĐH KHXH-NV - Đại học Quốc gia TPHCM). “Thời trung học, tôi đã quan tâm về lịch sử, văn hóa, xã hội… Tuy nhiên, khi đó chỉ là sự ham thích tìm hiểu các thông tin thú vị, chứ tôi không nghĩ đến việc nghiên cứu. Mãi khi vào đại học, tôi mới quyết định theo con đường nghiên cứu văn hóa với mong muốn được học hỏi, trang bị những phương pháp và lý thuyết khoa học, được hướng dẫn cách làm nghiên cứu…”, Vĩnh Thông lý giải.
Năm 2015, trước ngưỡng cửa của tuổi 20, cùng lúc Vĩnh Thông ra mắt tập thơ thứ 2 Trạng thái yêu và du khảo An Giang núi rộng sông dài, như lát một viên gạch đầu tiên và chính thức cho con đường nghiên cứu văn hóa, lịch sử, con người Nam bộ của mình. Kể từ đây, song song với việc sáng tác văn chương, anh ghi tên mình trong lĩnh vực nghiên cứu qua các ấn phẩm: Dấu ấn thượng châu thổ (2021), Đình và làng Bình Thủy (2022).
Chia sẻ về mối quan hệ giữa sáng tác và nghiên cứu, Vĩnh Thông cho biết: “Cả hai có những điểm khác, nhưng cũng có những điểm giống. Người viết có thể khai thác những mặt mạnh của mỗi bên để “làm giàu” cho nhau. Trở ngại lớn nhất của việc theo đuổi cả hai là thời gian, vì người cầm bút khó có thể chuyên tâm cả hai mảng trong cùng một thời điểm”.
Do đang làm việc văn phòng nên để có thể đi điền dã, thu thập tư liệu, Vĩnh Thông thường tranh thủ những ngày cuối tuần, hoặc kết hợp thu thập dữ liệu trong các chuyến đi với những mục đích khác như công tác, du lịch… “Việc đọc nhiều bài nghiên cứu của các tác giả đi trước, cùng với sự cố gắng của chính mình để hoàn thiện các trang viết, thậm chí là một chút hân hoan khi bản thân phát hiện ra một thông tin nào đó thú vị và có thể chia sẻ với người đọc… là những yếu tố giúp mình vượt qua những thách thức”, Vĩnh Thông bày tỏ.