Yếu tố bản địa trong những trang viết

Không hẹn mà gặp, 3 tác phẩm được ra mắt gần đây, gồm: Sống cùng nước, Khu vườn ký ứcĐôi mắt màu ngô non đều là của 3 tác giả trẻ, đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam. Cả 3 tác phẩm đều khai thác yếu tố bản địa mà gần đây được độc giả dành sự quan tâm đặc biệt.
Những tác phẩm khai thác yếu tố bản địa đang được kỳ vọng tạo nên những vùng đất văn học
Những tác phẩm khai thác yếu tố bản địa đang được kỳ vọng tạo nên những vùng đất văn học

Sinh ra và lớn lên tại vùng Thất Sơn - Bảy Núi (tỉnh An Giang), những năm gần đây, Trương Chí Hùng xuất hiện đều đặn, trở thành một trong những cây bút nổi bật của miền Tây hiện nay. Không tính tập thơ đầu tiên, những tác phẩm sau này của Trương Chí Hùng hầu hết là tản văn và bút ký.

Trương Chí Hùng dẫn dắt bạn đọc đi qua các kênh rạch, qua các con sông lớn nhỏ của miền Tây rồi tận tình giới thiệu vùng đất mà mình xem như máu thịt. Ở đó có cá linh được xem như đặc sản của miền Tây, có nghề dỡ chà, lấy đất tà lệch, soi cá, giăng câu, nhấp ếch mùa nước nổi… Anh còn rủ rỉ kể cho người đọc nghe những phương ngữ, hoặc là diễn giải về những địa danh, tên gọi xứ miệt vườn. Điều này hẳn sẽ có ích cho những ai đang quan tâm tìm hiểu về miền Tây.

Tác giả trẻ Cao Văn Quyền vừa ra mắt tập tản văn Khu vườn ký ức. 22 bài viết dù không dài nhưng có chung niềm cảm hứng dành cho quê hương, một vùng quê phía Bắc của xứ Nghệ. Các bài viết: Còn thương vị mặn quả cà, Cơm mẹ nấu, Nước vối quê, Ví giặm quê mình, Giọng Nghệ… đưa người đọc về với xứ Nghệ, nơi có mùa hè “nắng như thiêu như đốt”, có “gió Lào hầm hập thổi bỏng rát”, hay món khoai lang vàng ruột bở tơi, vị ngọt nhẹ mà những người nông dân xứ Nghệ vẫn thường ăn cùng bát nước chè xanh… Sinh ra tại Hoàng Mai (Nghệ An), hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội, các bài viết của Cao Văn Quyền thường được tạo tác bằng ký ức. Ký ức ấy dường như vẫn còn tươi nguyên, nóng hổi nhờ tình yêu, nỗi nhớ quê nhà luôn thường trực trong lòng người xa quê.

Sau nhà văn Đỗ Bích Thúy, có thể nói, giờ đây có thêm tác giả 9X Nguyễn Luân “chuyên trị” đề tài miền núi phía Bắc với các tác phẩm: Đôi mắt Sơn Dương, Bước về phía mặt trời, Mây tía ngang trời, Xuân về nơi con sông chảy ngược và mới đây là Đôi mắt màu ngô non. Bún đẹt pặt tàng tàng hay pộp pạp xì ngài là gì? Tết trên lưng đèo có gì khác với tết dưới xuôi? Mùi khói trên nương có gì đặc biệt? Tất cả những thắc mắc trên đều được tác giả Nguyễn Luân gửi gắm trong cuốn tản văn hơn 100 trang Đôi mắt màu ngô non. Cuốn sách mỏng, nhưng chứa đựng trong đó rất nhiều thông tin thú vị về tập quán, phong tục của người vùng cao nơi xứ Lạng mà có lẽ vẫn còn là bí mật với nhiều người.

Tin cùng chuyên mục