Ân tình dành cho tiếng mẹ đẻ
Thông thường, để viết sách về tiếng Việt, không ít người có mặc định đó phải là những chuyên gia, nhà ngôn ngữ học. Nhưng với Lê Trọng Nghĩa, ra mắt ấn phẩm Tiếng Việt ân tình đơn giản chỉ là cách bày tỏ tình yêu với tiếng mẹ đẻ. Bởi vậy, cuốn sách của anh có cách tiếp cận gần gũi, mà theo chia sẻ của PGS-TS Phạm Văn Tình là: “Với lối viết ngắn gọn, giản dị, súc tích, cuốn sách của Lê Trọng Nghĩa thu hút tôi. Cũng bởi những vấn đề tác giả nêu ra vừa quen thuộc vừa mới lạ. Đó chính là hành trình khám phá ngôn từ của một người say mê với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.
Theo chia sẻ của Lê Trọng Nghĩa, từ nhỏ anh đã có niềm đam mê với việc đọc sách, xem sách như một người bạn đồng hành. Trong đó có nhiều cuốn sách về ngôn ngữ của học giả An Chi, GS Cao Xuân Hạo, PGS-TS Phạm Văn Tình… “Nhờ đọc sách của họ mà tôi có tình yêu với tiếng quê hương, và tôi mong muốn sau này có thể được chia sẻ những điều thú vị đó với các bạn cùng trang lứa”, Lê Trọng Nghĩa cho biết.
Lớn lên, Nghĩa được đi du học rồi làm việc ở nước ngoài. Nhờ đó, anh có cơ hội được nhìn lại một cách rõ ràng hơn về tiếng Việt. Nghĩa bảo, cho dù mình có giỏi ngoại ngữ đến đâu cũng không thể nào diễn đạt trọn vẹn tâm tư, tình cảm cũng như những điều mình muốn nói một cách thấu đáo đến đối phương. “Đôi khi tôi rất muốn thể hiện rõ, thực sự ý của tôi như thế này, cảm xúc trong lòng tôi đang thế nọ, nhưng không thể nào nói cặn kẽ cho một người bạn ở xứ người biết. Đến lúc đó tôi mới nhận ra, chỉ khi dùng tiếng mẹ đẻ, mình mới có thể diễn tả linh hoạt, trọn vẹn ý của mình tới người bên cạnh”, Lê Trọng Nghĩa bày tỏ.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiếng Việt với bản thân, nên năm 2012, Lê Trọng Nghĩa đã lập ra trang Tiếng Việt giàu đẹp. Hiện trang đã có trên 120.000 người theo dõi. Ban đầu, Nghĩa một mình viết bài, đến năm 2021, sau thành công của dự án “Ngày tôn vinh tiếng Việt”, nhiều bạn trẻ mong muốn được tham gia cùng Nghĩa. Đến nay, đã có thêm 20 cộng tác viên cùng hỗ trợ nội dung và kỹ thuật cho trang.
Tra cứu và giải đáp tới cùng
Lê Trọng Nghĩa là kỹ sư phần mềm. Cho nên, anh tự nhận mình là “tấm chiếu mới” trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Anh nhớ lại: “Lúc mới bước chân vào tìm hiểu tiếng Việt, phải nói là tôi gặp rất nhiều khó khăn để tạo được uy tín, để mọi người tin tưởng mình cũng như tin tưởng vào những bài viết của mình”.
Vì không được đào tạo về ngôn ngữ nên thời gian đầu Nghĩa cũng gặp không ít “tai nạn” về chữ nghĩa. Thậm chí, một số người bày tỏ sự phản đối gay gắt vì anh chưa có kinh nghiệm. Không dễ dàng từ bỏ, Nghĩa tự mình học hỏi, đọc những bình luận của độc giả, theo dõi những nhà ngôn ngữ học xem họ viết như thế nào, tham khảo nguồn tư liệu từ đâu để học hỏi. “May mắn là tôi cũng đã tìm được một số nguồn tư liệu khá thú vị. Tôi luôn tâm niệm rằng, nếu một bài viết mà mình đọc không cảm thấy thú vị, không cảm thấy hay thì chắc chắn độc giả cũng sẽ có cảm giác như vậy. Bởi vậy, lúc nào tôi cũng phải đặt mình vào vị trí của độc giả, để xem độc giả cảm thấy như thế nào khi đọc bài viết của mình, có thấy thú vị, đáng tin không. Khi viết bài, tôi phải tra cứu tường tận, những gì còn thắc mắc, phải giải đáp tới cùng”, Nghĩa kể.
Lê Trọng Nghĩa quê ở Đồng Nai, sang Nhật Bản từ năm 2015. Hiện anh đang sống và làm việc tại Tokyo. Cuộc sống thường ngày của anh khá bận rộn, chỉ riêng công việc chính cũng đã chiếm phần lớn thời gian. Tuy nhiên, có lẽ vì niềm đam mê thôi thúc nên Nghĩa vẫn có thể giữ được cân bằng khi quản lý trang Tiếng Việt giàu đẹp. “Tôi tận dụng hết những kẽ hở thời gian có thể cho sở thích của mình: khi xếp hàng chờ, khi ngồi trên tàu điện, nghỉ trưa, buổi tối… tất tần tận đều để nghĩ ý tưởng viết bài, phản hồi tin nhắn cộng tác viên, đọc bình luận từ độc giả. Ngoài ra, cũng nhờ có đội ngũ hỗ trợ nên việc điều hành của tôi cũng thuận lợi hơn nhiều. Nhờ đó, trang Tiếng Việt giàu đẹp vẫn có thể hoạt động hiệu quả đến ngày nay”, Lê Trọng Nghĩa cho biết.
“Tôi và các thành viên trong nhóm Tiếng Việt giàu đẹp có một quy ước: những từ nào mà dùng được tiếng Việt thì chúng tôi sẽ dùng trong quá trình làm việc. Ban đầu, thỉnh thoảng các bạn cũng có xen một vài từ tiếng Anh, nhưng sau này các bạn đã hoàn toàn thay thế hết bằng tiếng Việt. Điều này khiến tôi bất ngờ và rất vui”
LÊ TRỌNG NGHĨA