Bằng chứng là, vừa ra mắt không lâu, Vua tiếng Việt nhanh chóng có mặt trong tốp 10 chương trình truyền hình tháng 9 theo thống kê của Kanta Media dựa trên tỷ suất rating đo được tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Sức hút của Vua tiếng Việt trước hết nhờ kết hợp hài hòa giữa gameshow giải trí và tính trí tuệ. Nhưng, khác với Ai là triệu phú hay Siêu trí tuệ Việt Nam đề cao kiến thức tổng hợp ở đa lĩnh vực, Vua tiếng Việt có đủ sự hồi hộp, kịch tính, căng thẳng nhưng vẫn mang lại nhiều tiếng cười cho người chơi. Điều này được thể hiện qua các thử thách vừa gần gũi, dễ đoán, dễ chinh phục bởi nó là lời ăn, tiếng nói hàng ngày của mỗi chúng ta. Để chinh phục giải thưởng mỗi số phát sóng 30 triệu đồng hay giải cao nhất 180 triệu là không đơn giản. Nó không chỉ đòi hỏi người chơi có vốn tiếng Việt phong phú mà còn phải ứng đối linh hoạt, nhanh nhẹn trước áp lực về thời gian và các đối thủ thi cùng.
Vua tiếng Việt không chỉ dành cho 4 người chơi trong mỗi số phát sóng. Bởi khi theo dõi chương trình, mỗi khán giả cũng là người chơi và có thể tự kiểm chứng, chấm điểm cho câu trả lời của mình. Do đó, chương trình mang tính tương tác cao và thậm chí tranh luận sôi nổi về các đáp án đưa ra. Điều này khiến cả khán giả và người chơi đều phải tập trung cao độ, không thể rời mắt khỏi màn hình để không bỏ sót câu hỏi nào.
Có lẽ, điều giá trị nhất chương trình mang lại không chỉ là những phút giây thư giãn, nó còn là cơ hội để mỗi người trong số chúng ta cùng “học” tiếng Việt, dung nạp thêm vốn từ và rất nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao, câu thơ nổi tiếng… Trước thực tế có nhiều người, như một thói quen, nói tiếng Việt nhưng luôn chèn tiếng nước ngoài hoặc nói tắt kiểu ok (thay cho đồng ý), hi (thay cho xin chào), bye bye (thay vì tạm biệt)… chương trình càng có ý nghĩa hơn. “Giữ tiếng Việt cho nối đời, lời quê hương ấy lời sắt son” có lẽ là thông điệp ý nghĩa nhất chương trình muốn gửi gắm.