Muôn màu muôn vẻ
Khi được hỏi, sinh con thứ 2 trở đi có bao giờ những đứa trẻ ganh tị ba mẹ yêu ai nhiều hơn hay không, câu trả lời của nhiều phụ huynh là có. “Đó là chuyện vợ chồng tôi đã lường trước dù chính con gái đầu nhất quyết đòi ba mẹ phải sinh thêm em bé cho có chị có em. Dù không thể hiện ra mặt nhưng khi gặp họ hàng, cô bé hay tâm sự kể lể. Bé còn than thở biết vậy sẽ không nói mẹ đẻ em bé. Nhưng vì 2 con sinh cách nhau khá xa nên cô chị cũng rất biết điều, than thở vậy nhưng vẫn yêu em”, chị Ánh Nguyệt (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) kể.
Chuyện các bé phản ứng xảy ra như cơm bữa với hầu hết các gia đình, theo nhiều mức độ khác nhau. Có những bé thể hiện ra mặt, thậm chí còn tỏ thái độ độc tôn. Như chia sẻ của chị Hương Phạm (ngụ TP Thủ Đức): “Ban đầu cô chị cũng phản ứng dữ dội lắm. Lúc tôi mới sinh đứa thứ 2, không ít lần tôi thấy con buồn ra mặt vì mẹ phải tập trung chăm sóc em. Nhưng giờ là đến thời của cô em sân si. Thậm chí, ba mẹ còn không được phép nói chuyện với chị. Tôi cảm nhận, con út luôn có tâm lý mình phải là nhất”. Nhiều gia đình may mắn hơn khi các bé lớn biết điều, nhường nhịn em và phụ giúp ba mẹ coi sóc em. Nhưng cũng không ít trường hợp các bé ấm ức trong lòng và không chia sẻ với ba mẹ. Chị Thanh Hiền (ngụ TP Thủ Đức) kể: “Quan sát thấy anh em vẫn rất hòa thuận với nhau nên tôi nghĩ mọi chuyện bình thường. Cho đến một ngày, nghe cô út kể lại, con bé tâm sự riêng nói hình như ba mẹ chỉ thương anh hai, cái gì cũng dành hết cho anh khiến tôi giật mình”.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng gặp chuyện như thế. Chị Vũ Phượng (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho biết: “Tôi chưa bao giờ cảm nhận được 2 bé nhà mình có biểu hiện nào ganh tị với nhau. Chị hai luôn rất biết cách nhường nhịn trong khi em út lại không hề tỏ thái độ đòi hỏi hay muốn phải được cưng chiều hơn”.
Hiểu và hành động
Có một điểm chung, khi sinh con đầu lòng hầu hết các cặp vợ chồng đều có tâm lý hồi hộp, lo lắng và luôn dành toàn bộ thời gian cho thiên thần nhỏ của mình. Nhưng đến khi sinh con thứ 2, áp lực thời gian và tài chính khiến mọi chuyện có nhiều đổi khác.
Nhiều cặp vợ chồng thừa nhận, con thứ 2 thường thiệt thòi hơn, không được chăm sóc kỹ lưỡng như con đầu. Điều này vô hình trung khiến một số bé có cảm giác ba mẹ bớt quan tâm, chăm sóc và yêu thương. Đó là lý do, khi trò chuyện với cô út (em chồng), chị Thanh Hiền nghe được câu chuyện, hóa ra bé nhỏ ghen tị vì thời gian này ba mẹ đang tập trung lên kế hoạch cho cậu con trai lớn đi du học ngay khi kết thúc bậc trung học cơ sở. Thực tế này, bản thân nhiều ba mẹ cũng đang phải đối diện. “Tôi nhớ lúc con gái lớn 3 tuổi, mẹ bắt đầu cho đi học tiếng Anh, học vẽ, rồi học trường quốc tế một thời gian. Nhưng sang đến bé thứ 2, chúng tôi phải cân đối thời gian, tài chính vì nếu cứ áp dụng như giai đoạn chăm sóc bé đầu tiên, ba mẹ không thể đảm đương”, chị Hương Phạm thừa nhận.
Thật khó để ba mẹ yêu các con bằng nhau như công thức toán học vì không có thước đo nào phản ánh chính xác điều đó. Mỗi người con luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim của cha mẹ, do đó, điều quan trọng nhất là hãy yêu thương các bé hết mực. |
Bài toán đặt ra là, khi có nhiều hơn một thành viên nhí trong gia đình, ba mẹ cần phải tính toán và thu xếp như thế nào để những đứa trẻ luôn cảm nhận được tình yêu thương chúng nhận được không hề vơi đi. Do đó, cần tránh cả hai trường hợp ba mẹ lơ là, chểnh mảng đối với bất kỳ người con nào. Cách làm của chị Ánh Nguyệt hay Thanh Hiền là luôn thủ thỉ, tâm tình để lắng nghe mong muốn của con và từ đó, điều chỉnh hành vi của chính mình. Còn cách để chị Hương Phạm bù đắp cho con sau những ngày bận rộn là luôn thiết kế những ngày nghỉ để các bé được đi bơi, chơi công viên, thăm sở thú… Chị luôn nghĩ, khi các con được chơi cùng nhau không chỉ gắn kết tình cảm mà chúng sẽ thấy ba mẹ luôn đối xử yêu thương, công bằng.
Cha mẹ trước khi sinh con thứ 2, thứ 3 hãy luôn trong tâm thế sẽ cư xử sao cho công bằng nhất giữa các con để chúng không có cảm giác về sự phân biệt. Đôi khi chỉ vì sự xao lãng nhỏ cũng khiến các bé cảm giác mình bị bỏ rơi, dần dần sẽ khiến bé thu mình, mất tự tin. Thay vì đổ lỗi cho bận rộn, ba mẹ cùng ngồi lại và vạch kế hoạch để không bé nào phải chơi một mình. Và quan trọng nhất, hãy luôn dành cho con cái đủ sự quan tâm để chúng luôn thấy trong gia đình không bao giờ tồn tại cái gọi là vị trí hơn kém của mỗi người con.