Yêu thương, chia sẻ và biết ơn

Ở tuổi 62, mỗi khi gặp bạn bè, đồng nghiệp, ai cũng hỏi: “Ông chưa nghỉ hưu à?”… “Sổ hưu thì đã nhận hơn nửa năm nay rồi, nhưng nghề viết thì chưa nghỉ. Nghỉ viết là nghỉ hết toàn thân đấy”, nhà báo Hoài Nam (Báo Sài Gòn Giải Phóng) hóm hỉnh chia sẻ.

Nhà báo Hoài Nam cùng bà xã trong một lần mang quà đến các địa phương khó khăn
Nhà báo Hoài Nam cùng bà xã trong một lần mang quà đến các địa phương khó khăn

1. Trong hành trình 49 năm của Báo Sài Gòn Giải Phóng, anh Hoài Nam đã có 30 năm công tác, gắn bó. Bạn bè, đồng nghiệp nhắc đến anh với nhiều lời quý mến và trân trọng, một người làm báo cần mẫn, đã đoạt nhiều giải thưởng báo chí lớn nhỏ. Nhẩm tính từ ngày anh nhận sổ hưu, tới nay chưa được 1 năm, nhưng tiền thưởng đã hơn 100 triệu đồng và mới nhất là giải ba cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ 3 (2023-2024) do Báo Quân đội nhân dân phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, làm tròn gia tài giải thưởng báo chí của anh là 50 giải (trong đó hơn 20 giải thưởng cấp Trung ương).

Mỗi giải thưởng là một lần ghi nhận những nỗ lực trong hành trình làm nghề, với anh Hoài Nam, niềm vui này là sự sẻ chia thiết thực để anh mang đến cho những hoàn cảnh xung quanh mình. Số tiền hơn 70 triệu đồng nhận được từ tác phẩm về đấu tranh chống diễn biến hòa bình, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên Búa liềm vàng năm 2023, anh góp cùng các nhà hảo tâm khác xây tặng căn nhà nhân ái cho 4 anh em mồ côi cha mẹ tại xã Ja Peng, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai). Số tiền còn lại của các giải thưởng báo chí năm 2023, nhà báo Hoài Nam dùng mua quần áo, 1 tấn gạo gửi tặng các hộ dân còn khó khăn ở Tây Nguyên, Trường Sơn - nơi anh và những người bạn của mình có gần 20 năm gắn bó, đồng hành và sẻ chia với đồng bào các dân tộc còn khó khăn.

Nói về lý do cho hành trình chia sẻ cùng cộng đồng, anh Hoài Nam bày tỏ: Trong hành trình suốt gần 20 năm đó, có rất nhiều giải thưởng báo chí trong số 50 giải thưởng đã nhận, tôi góp vào các hoạt động thiện nguyện, nghĩa tình, tri ân ở mái trường thời thơ ấu đi sơ tán trên vùng đất trung du Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ; hay ở trên các vùng núi cao Trường Sơn - nối tiếp Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn với Bộ đội Biên phòng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và nhiều bản làng đồng bào các dân tộc vùng xa, khó khăn của tỉnh Gia Lai.

Và hành trình chia sẻ của anh không chỉ có những hoàn cảnh, những mảnh đời, mà niềm tự hào lịch sử và tri ân thế hệ có công luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Từ những phần giá trị của các giải thưởng báo chí đã nhận được, anh góp vào 4 công trình bia phương danh 64 anh hùng, liệt sĩ Gạc Ma đặt ở chùa trên các đảo Phan Vinh, Song Tử Tây, Nam Yết và Sơn Ca trên quần đảo Trường Sa… “Biết ơn và tri ân thế hệ người có công cũng là một cách để người ta sống trọn vẹn và yêu thương cuộc đời này thật nhiều”, nhà báo Hoài Nam quan niệm.

2. So với các thế hệ đồng nghiệp với mình, anh Hoài Nam luôn chia sẻ sự may mắn khi có được hậu phương đồng hành và thấu hiểu. Dẫu bà xã của anh không làm cùng nghề báo, nhưng chị luôn lặng thầm ủng hộ và sẻ chia những khó khăn trong hành trình làm nghề của anh. Những chuyến đi vợ chồng đồng hành, trao gửi các phần quà, đến đồng bào các dân tộc trên đại ngàn Trường Sơn, Tây Nguyên, vùng trung du Phú Thọ, Tây Bắc…, cùng nhiều hoạt động, chương trình thiện nguyện gắn bó với nhà báo Hoài Nam từ những ngày anh mới bắt đầu hành trình cầm bút như: Nghĩa tình Trường Sơn (nối tiếp chương trình của Báo SGGP), Nghĩa tình Trường Sa, Tủ thuốc biên cương, Tấm áo cho Ngôi nhà thiện nguyện, Xuồng cứu sinh nơi vùng xa biên giới, Mái nhà cho người nghèo trên vùng trung du Hạ Hòa (Phú Thọ)…

Đi qua chặng đường với 30 năm viết báo, gắn bó với Báo SGGP từ thời kỳ tờ báo chỉ có 6 trang xuất bản hàng ngày theo khổ chữ to, sắp chữ bản kẽm, có trang lem mực in, nhà báo Hoài Nam bộc bạch: Dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào của tờ báo, tôi luôn giữ cho mình trọn vẹn với nghề viết báo để tìm những lĩnh vực dù là gai góc, phức tạp, khó tiếp cận hay nhẹ nhàng. Đó cũng là cách để mình tiếp nối tinh thần trọn vẹn với nghề nghiệp từ các thế hệ làm báo SGGP và gửi gắm chút tinh thần nhiệt huyết trong công việc cho các bạn làm báo trẻ hôm nay.

Nghề báo cũng là một công việc như bao công việc khác, có những vui - buồn - thăng trầm mà người làm nghề đều đi qua. Để rồi khi nhìn lại, một công việc có yêu thương, chia sẻ và biết ơn cộng đồng quanh mình, hẳn đó là một hành trình làm nghề thật trọn vẹn trong đời mà ai cũng mong chạm đến những giá trị giản dị mà hạnh phúc vững bền.

Tin cùng chuyên mục