Mỗi bài viết trong bộ sách chỉ chừng vài trăm chữ nhưng nhà văn Băng Sơn dường như đã tái hiện nên bức tranh làng quê nước Việt thanh bình, mà có lẽ với nhiều người, cũng đã là hình ảnh xa xôi diệu vợi. Ông đưa bạn đọc về với cảnh sắc và không khí làng quê Việt những năm 1970, 1980. Ở đó có mái tranh vách đất, có cổng nhà bằng tre và cổng làng cũng “mát rượi vì lũy tre hai bên”. Khung cảnh đó thật yên bình với tiếng võng kẽo kẹt, tiếng ru à ơi, tiếng gà cục tác, tiếng chim gọi quả…
Nhắc đến cảnh sắc quê Việt, không thể không nhắc đến những loài hoa. Đó là hoa tầm xuân trắng muốt, hoa mướp vàng chanh, hoa móng rồng, hoa đậu ván, hoa tóc tiên… Mỗi loài hoa mang một vẻ đẹp khác nhau, cho dẫu công dụng không giống nhau thì cũng góp phần làm nên sự đa sắc, tô điểm thêm cho đời sống: “Đất nước ta xanh tươi bốn mùa, có hoa quả quanh năm. Nếu quả là phần ngon nhất thì hoa là phần đẹp nhất của cây” (Hoa đỏ).
Được viết bằng ngôn từ mộc mạc, gần gũi nhưng có sự chắt lọc, bộ sách Ngàn mùa hoa phù hợp với những em nhỏ ngày nay có mong muốn được tìm hiểu về cảnh sắc làng quê của thế hệ ông bà, bố mẹ. Bộ sách cũng có thể xem là nguồn tư liệu tham khảo cho các em trong quá trình học văn ở trường, hay những em có đam mê sáng tác. Và dĩ nhiên, với thế hệ 8X trở về trước, đây sẽ là chiếc cầu để trở về quá khứ, trong niềm thương nỗi nhớ con người. Đó là ông bà, cha mẹ, hay những người bạn thuở thiếu thời. Để được nhìn ngắm lại khoảnh khắc ngóng đợi mẹ đi chợ về với những món quà đơn sơ nhưng chứa đựng “tình thương yêu vô bờ bến” (Quà chợ); được tung tăng, đùa nghịch trong khu vườn rợp mát bóng cây của ông bà…
Đọc Ngàn mùa hoa, những cảnh sắc và tình cảm ấy dẫn người đọc đến ý niệm quê hương, truyền thống một cách nhẹ nhàng, ý nhị. Ngay các em nhỏ cũng thấy đó không phải điều gì trừu tượng, hóa ra nó hiện lên ở ngôi đình làng “bảy gian hai chái” được “xây gạch vồ, lợp ngói mũi hài, bốn góc gọi là bốn đầu đao cong vút lên, có đuôi con chim phượng uốn cong” (Ngôi đình làng); trong không khí tết “đang đuổi phía sau lưng” với gạo nếp, đậu xanh, con gà, bó măng (Tết làng); hay những nghi lễ trong đám cưới quê rộn ràng có cô dâu mặc áo mớ ba mớ bảy, đầu đội nón thúng to: “Đến nhà trai, chị tôi phải bước qua một cái cối đá và một chiếc nùn rơm đang cháy bốc khói, và sau đó trốn biệt luôn vào buồng không ra nữa…” (Đám cưới quê).
Đúng như nhà văn Hoàng Quốc Hải bày tỏ trong lời bạt, thế giới hiện đại khiến các dân tộc trở nên gần gũi nhau, việc giao lưu văn hóa và ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn hóa là điều không tránh khỏi. Điều này làm cho các nền văn hóa của nhân loại ngày thêm phong phú. Tuy nhiên, sẽ là “đại bất hạnh cho dân tộc nào chỉ biết có hòa tan mà không có ý thức lưu giữ”. Vì lẽ đó, bộ sách Ngàn mùa hoa của nhà văn Băng Sơn, một cách âm thầm, cũng đang lưu giữ hồn Việt cho người cùng thời với ông, cũng như cho thế hệ tiếp sau.