Yêu lịch sử cách nào?

Lịch sử là môn học quan trọng và luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Cũng như nhiều môn học khác, nếu muốn học tốt môn Lịch sử, học sinh cần có sự yêu thích và quan tâm. Nhưng làm thế nào để học sinh có thể yêu thích lịch sử?

Tiến sĩ Hà Bích Liên (đồng Chủ biên phần Lịch sử) của SGK Lịch sử và Địa lí 9 (bộ sách Chân trời sáng tạo) chỉ ra vấn đề: Trước tiên, người giáo viên phải thực sự yêu lịch sử và đồng thời dạy cho học sinh có khả năng tìm hiểu, nhận thức, ứng dụng lịch sử vào cuộc sống.

Ảnh1.jpg
Bìa SGK Lịch sử và Địa lí 9 (bộ sách Chân trời sáng tạo)

Khuyến khích tìm hiểu

Ngay tại trang 7 trong SGK Lịch sử và Địa lí 9 (bộ sách Chân trời sáng tạo) đã mở đầu cho phần Lịch sử với một bài học bằng tranh vô cùng quan trọng đó là phân cảnh bộ đội Việt Nam bắt sống tướng Đờ Ca-xtơ-ri (De Castries – chỉ huy quân Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ) cùng toàn bộ Bộ Tham mưu vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954 làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Phân cảnh ấn tượng này nằm trong bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” có tổng diện tích lên đến 3.255m2, cũng là một trong những bức tranh tường lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh.

Ảnh2.png
Trang mở đầu phần Lịch sử trong SGK Lịch sử và Địa lí 9 (bộ sách Chân trời sáng tạo)

Tự thân bức tranh panorama này đã chứa một lượng thông tin khổng lồ, giáo viên chỉ cần gợi mở là học sinh có thể tự tìm hiểu và thu thập được nhiều thông tin hữu ích. Với một chiếc smartphone, chỉ cần chụp lại phân cảnh bắt sống “tướng Đờ Ca-xtơ-ri” và sử dụng tính năng tìm kiếm (search) bằng hình ảnh thì một loạt thông tin sẽ hiện ra như: ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ hay báo Nhân Dân đã in hàng trăm, hàng ngàn bản của bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tặng bạn đọc vào thời điểm cả nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024),…

Như vậy, học sinh đã có được năng lực tìm hiểu thông tin, dữ liệu lịch sử và sau đó giáo viên chỉ cần đúc kết những thông tin quan trọng, chuẩn xác để học sinh có nhận thức đúng. Như vậy, sau khi đạt được 2 loại năng lực là “tìm hiểu” và “nhận thức” thì học sinh hoàn toàn tự tin ứng dụng vào thực tế.

Ở trang 87 trong SGK Lịch sử và Địa lí 9 (bộ sách Chân trời sáng tạo) đưa ra yêu cầu “Vận dụng” như sau: “Dựa vào thông tin trong bài kết hợp quan sát tư liệu 16.6, hãy đóng vai một nhân vật được thể hiện trong bức tranh, sau đó viết một bức thư mô tả không khí ra trận của toàn dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ gửi đến thế hệ sau”.

Ảnh3.png
Tư liệu 16.6 – trang 86 trong SGK Lịch sử và Địa lí 9 (bộ sách Chân trời sáng tạo)

Điểm dễ thấy là bức thư sống động đến đâu sẽ phụ thuộc vào năng lực của từng học sinh, nhưng nếu học sinh đã có năng lực tìm hiểu và nhận thức thì những thông tin trong bức thư này cũng sẽ chính xác, phù hợp và qua đó in dấu kiến thức trong suy nghĩ, tư duy của học sinh.

Truyền lửa say mê

Là một người say mê lịch sử, anh Nguyễn Quốc Hải (chuyên gia pháp lí tại nhiều công ty đa quốc gia) nhận xét: “Mới đây, tình cờ đọc được phần lịch sử trong SGK Lịch sử và Địa lí 9 (bộ sách Chân trời sáng tạo), tôi đánh giá rất cao cách thức trình bày cùng hình ảnh, thông tin, biểu đồ trong sách. Đối với một người lớn thì những dữ liệu trong sách cực kì có giá trị và đặc biệt là cách thức trình bày khoa học, khúc chiết có thể đọc bằng nhiều cách thay vì trước ra sau. Theo quan điểm của tôi, cách thức trình bày trong mỗi bài học của SGK Lịch sử và Địa lí 9 (bộ sách Chân trời sáng tạo) hoàn toàn có thể dẫn dắt, định hướng cho các em học sinh thực hiện một bài báo hoặc một bài tiểu luận khi lên các bậc học cao hơn”.

Từ trang 83 đến trang 87 trong SGK Lịch sử và Địa lí 9 (bộ sách Chân trời sáng tạo) đề cập đến nội dung “Cuộc Tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953 – 1954 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954” có 2 lược đồ cùng 5 hình ảnh được sử dụng. Thử đặt ra vấn đề: Nếu một học sinh chưa chăm học lịch sử sẽ tiếp cận như thế nào? Có lẽ sự chú ý của học sinh này sẽ nằm ở những hình ảnh và ở đây bao gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Ca-xtơ-ri; Toàn dân ra trận; Quân đội Pháp thất trận; Toàn cảnh Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Ít nhất những dấu mốc quan trọng của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ cũng bước đầu được truyền đạt đến một học sinh cho dù đó là học sinh chưa chăm học. Bước tiếp theo sẽ phụ thuộc vào người giáo viên trong việc tạo ra động lực và khuyến khích học sinh tiếp thu.

“Đa số các giáo viên dạy môn Lịch sử hiện nay đều rất chú trọng tìm kiếm thông tin, dẫn chứng để bổ sung, làm rõ cho học sinh trong mỗi bài học, đó là điều rất tích cực. Nhưng quan trọng hơn nữa là những sự sống động trong cách thức truyền đạt để khơi gợi sự say mê cho học sinh hoặc đơn giản hơn nữa là tạo sự chú ý của học sinh đến một số vấn đề trong bài học”, Tiến sĩ Hà Bích Liên nhấn mạnh.

Nhiều thế hệ học sinh tại thành phố Nha Trang đều khẳng định có được niềm say mê với bộ môn Lịch sử là nhờ nhà giáo Hà Văn Thủy. Vài chục năm trước, dù chưa có internet, không có nhiều hình ảnh minh hoạ, nhưng những trận đánh quan trọng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, luôn được thầy Hà Văn Thủy mô tả vô cùng sống động.

Chẳng hạn, ngoài chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, còn có chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 được thầy Hà Văn Thủy dày công vẽ lược đồ mô tả đội hình máy bay và thao tác điều khiển máy bay của phi công khiến học sinh vô cùng thích thú. Khi học sinh đón nhận thông tin với lòng yêu nước, tự hào dân tộc vô cùng lớn lao thì những yêu cầu về bài học, số liệu cũng dễ dàng được tiếp thu.

“Lịch sử là cuộc sống, chúng ta cứ thấy rằng người lớn ngồi nói chuyện với nhau, có thể dẫn chứng lịch sử để câu chuyện trở nên thú vị. Vậy điều đơn giản là hãy làm cho chúng ta cũng có khả năng như vậy, qua đó còn có tác dụng dạy cho học sinh năng lực tư duy, kết nối, chứng minh, phân tích và giải quyết vấn đề. Tôi tin chắc rằng, môn Lịch sử nếu được giảng dạy một cách phù hợp, sống động thì bất kể học sinh nào, dù năng lực ra sao, cũng sẽ đặc biệt yêu thích”, Tiến sĩ Hà Bích Liên kết luận.

Tin cùng chuyên mục