Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu, TS Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Thể chế kinh tế thuộc CIEM, cho biết, hệ thống cơ chế, chính sách nhằm hạn chế độc quyền kinh doanh, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh đã được ban hành khá đầy đủ, tạo cơ sở cho cải cách.
Tuy nhiên, kết quả cải cách và hiện trạng độc quyền Nhà nước của mỗi ngành khác nhau. Việc tách bạch vận hành hạ tầng với hoạt động hạ nguồn chưa thực hiện thực sự ở đường sắt và điện. Lộ trình cải cách của từng ngành cũng đang ở những giai đoạn khác nhau: điện mở cửa một phần, vận tải đường sắt thì mới chỉ có những bước đi đầu tiên… Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN) vẫn gần như độc quyền toàn bộ ngành đường sắt. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt chưa hoạt động độc lập theo đúng nghĩa với TCT ĐSVN. “Do vẫn tồn tại việc doanh nghiệp vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng, điều hành giao thông vận tải đường sắt, lại vừa kinh doanh vận tải nên có vị thế chi phối rất lớn, không tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp tham gia kinh doanh đường sắt”, TS Nguyễn Thị Luyến phân tích.
Tương tự, với ngành điện, vốn có các khâu: nguồn điện, thu mua truyền tải và phân phối, cung cấp điện đến người dùng, trong đó 2 khâu nguồn điện và cung cấp điện có nhiều tiềm năng cạnh tranh (riêng khâu truyền tải và phân phối điện là độc quyền tự nhiên), song tính độc quyền còn thể hiện rõ. Tại khâu nguồn điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện chiếm 76% công suất phát điện và sở hữu Nhà nước vẫn chi phối ngành điện. Trong phân phối và bán lẻ đến người dùng, Công ty mua bán điện trực thuộc EVN là đơn vị duy nhất được phép mua bán điện từ tất cả các đơn vị phát điện trên thị trường và bán buôn cho các công ty phân phối điện...
Trên cơ sở đó, báo cáo nghiên cứu nhấn mạnh kiến nghị tiếp tục cải cách và lưu ý xác định khâu trọng tâm cần duy trì sở hữu Nhà nước; có cách thức quản lý, giám sát phù hợp, tránh chuyển từ độc quyền Nhà nước sang thành độc quyền doanh nghiệp. Đối với từng ngành, các nghiên cứu viên CIEM cũng đã có kiến nghị riêng. Như với ngành đường sắt, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu TCT ĐSVN; thành lập cơ quan độc lập quản lý hạ tầng đường sắt, có cơ chế tiếp cận, kết nối hạ tầng mạng đường sắt công bằng, đảm bảo cho các chủ tàu mới tham gia kinh doanh vận tải đường sắt cạnh tranh. Trong lĩnh vực hàng không, những khuyến nghị đáng lưu ý bao gồm đảm bảo khả năng tiếp cận cảng hàng không công bằng, bình đẳng cho các hãng hàng không; thực hiện giám sát giá tiếp cận các dịch vụ cảng hàng không; ban hành cơ chế kiểm soát đơn vị quản lý các cảng hàng không; giảm vị thế độc quyền của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam tại các sân bay… Trong khi đó, đối với ngành viễn thông, cơ quan điều tiết ngành được đề nghị thực hiện giám sát, ngăn chặn tình trạng liên kết độc quyền, thống lĩnh thị trường…
Đóng góp vào báo cáo, các ý kiến tại hội thảo đều thừa nhận mức độ độc quyền cực kỳ lớn trong các ngành được đề cập và nêu ra nhiều mô hình đáng tham khảo tại các nước. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, bình luận: “Ở Việt Nam, do chúng ta không phân biệt được đâu là chính sách, đâu là kinh doanh và không biết lỗi do ai, nên gần như không có động lực cạnh tranh. Không thể mãi biện hộ là đang trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường được nữa mà phải nhanh chóng chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ trong vòng 5 năm tới”.
Tương tự, với ngành điện, vốn có các khâu: nguồn điện, thu mua truyền tải và phân phối, cung cấp điện đến người dùng, trong đó 2 khâu nguồn điện và cung cấp điện có nhiều tiềm năng cạnh tranh (riêng khâu truyền tải và phân phối điện là độc quyền tự nhiên), song tính độc quyền còn thể hiện rõ. Tại khâu nguồn điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện chiếm 76% công suất phát điện và sở hữu Nhà nước vẫn chi phối ngành điện. Trong phân phối và bán lẻ đến người dùng, Công ty mua bán điện trực thuộc EVN là đơn vị duy nhất được phép mua bán điện từ tất cả các đơn vị phát điện trên thị trường và bán buôn cho các công ty phân phối điện...
Trên cơ sở đó, báo cáo nghiên cứu nhấn mạnh kiến nghị tiếp tục cải cách và lưu ý xác định khâu trọng tâm cần duy trì sở hữu Nhà nước; có cách thức quản lý, giám sát phù hợp, tránh chuyển từ độc quyền Nhà nước sang thành độc quyền doanh nghiệp. Đối với từng ngành, các nghiên cứu viên CIEM cũng đã có kiến nghị riêng. Như với ngành đường sắt, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu TCT ĐSVN; thành lập cơ quan độc lập quản lý hạ tầng đường sắt, có cơ chế tiếp cận, kết nối hạ tầng mạng đường sắt công bằng, đảm bảo cho các chủ tàu mới tham gia kinh doanh vận tải đường sắt cạnh tranh. Trong lĩnh vực hàng không, những khuyến nghị đáng lưu ý bao gồm đảm bảo khả năng tiếp cận cảng hàng không công bằng, bình đẳng cho các hãng hàng không; thực hiện giám sát giá tiếp cận các dịch vụ cảng hàng không; ban hành cơ chế kiểm soát đơn vị quản lý các cảng hàng không; giảm vị thế độc quyền của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam tại các sân bay… Trong khi đó, đối với ngành viễn thông, cơ quan điều tiết ngành được đề nghị thực hiện giám sát, ngăn chặn tình trạng liên kết độc quyền, thống lĩnh thị trường…
Đóng góp vào báo cáo, các ý kiến tại hội thảo đều thừa nhận mức độ độc quyền cực kỳ lớn trong các ngành được đề cập và nêu ra nhiều mô hình đáng tham khảo tại các nước. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, bình luận: “Ở Việt Nam, do chúng ta không phân biệt được đâu là chính sách, đâu là kinh doanh và không biết lỗi do ai, nên gần như không có động lực cạnh tranh. Không thể mãi biện hộ là đang trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường được nữa mà phải nhanh chóng chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ trong vòng 5 năm tới”.