Tại hội thảo “Quy hoạch đô thị TPHCM - Thực tiễn và cơ hội đầu tư” do Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM và VTV tổ chức ngày 30-10, ông Lý Khánh Tâm Thảo, Quyền Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, cho biết, TPHCM đang điều chỉnh quy hoạch chung để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thực tiễn cũng như thích ứng với tình trạng nước biển dâng.
Hiện tại, cấu trúc đô thị của TP vẫn lan tỏa, mở rộng từ trung tâm với mô hình nhà ở riêng lẻ, dẫn tới sử dụng đất chưa hiệu quả, tạo áp lực lên giao thông, gây ngập lụt, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, TP sẽ không điều chỉnh quy hoạch xây dựng hết mà xác định mục tiêu ưu tiên, có giá trị cho từng giai đoạn. Theo đó, TP sẽ tiếp tục chỉnh trang khu trung tâm hiện hữu, gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm điều tiết phân bổ lại dân cư. Ưu tiên phát triển theo định hướng giao thông công cộng, điều tiết dân số, phân bố dân cư và nhà ở hợp lý hơn.
Tại đây, các chuyên gia cho rằng, thực tiễn phát triển đô thị trong những năm qua cho thấy, TPHCM đang đứng trước rất nhiều thách thức cả cũ và mới của quá trình phát triển. Bên cạnh những vấn đề mang tính thời sự như tăng nhanh dân số cơ học, ngập nước đô thị, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, TPHCM còn phải đối mặt với những vấn đề mới như sụt lún, nhu cầu năng lượng cho các lĩnh vực sản xuất mới, cơ sở hạ tầng cho nền công nghiệp số.
Ông Michel Fanni, Giám đốc Phát triển và cải tiến đô thị cho đô thị mới Marne la Vallee (Pháp), cho rằng, cấu trúc đô thị theo vết dầu loang sẽ gây ra khó khăn cho việc di chuyển của người dân, trong khi nhà ở khu vực ngoại ô còn các hoạt động kinh tế, giải trí lại tập trung ở nội đô. Để giải quyết vấn đề này, Pháp đã xây dựng một số TP mới xung quanh thủ đô Paris.
Ông Michel Fanni nhấn mạnh, giải pháp quy hoạch đô thị không đến từ một cá nhân hay một công ty tư vấn mà là trí tuệ tập thể, là yếu tố quan trọng cho sự phát triển tương lai của TPHCM. Về định hướng quy hoạch, ông gợi ý: Hà Nội và TPHCM có tính chất bổ sung cho nhau, vì thế TPHCM có thể lấy Hà Nội để bổ sung cho định hướng phát triển của mình và ngược lại, nhằm xây dựng một TP sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại đây, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhìn nhận, trong quá trình phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh, TPHCM đang đứng trước nhiều thách thức về giao thông, vệ sinh môi trường, ngập nước do yếu kém về quy hoạch, ở cả 3 khâu: xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch. Về pháp lý quy hoạch, cứ 5 năm Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh quy hoạch, nhưng nếu chất lượng quy hoạch tốt như ở các nước châu Âu, quy hoạch cả trăm năm không cần thay đổi. Trong thời gian tới, TP sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch đảm bảo phù hợp với sự phát triển chung; đồng thời sẽ tính toán để điều chỉnh bổ sung quy hoạch ít nhất chu kỳ 10 năm thay vì 5 năm như hiện nay. Điều này TP có thể thực hiện được vì đã có các công cụ để thực hiện và có thể thuê các nhà tư vấn quốc tế hỗ trợ.
Về mục tiêu phát triển TP, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP sẽ tiếp tục hoàn thiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm, giải quyết vấn đề tồn đọng và biến nơi đây thành một trung tâm tài chính quốc tế. TP đang mời gọi các chuyên gia tư vấn chính sách để thu hút nguồn lực tài chính quốc tế. TPHCM cũng có ý định phát triển đô thị thông minh ở quận 1, quận 12 và Củ Chi; đô thị sinh thái ở Cần Giờ; đô thị cảng ở quận 9, Nhà Bè; khu công nghệ cao, đô thị sáng tạo ở quận 2, 9 và Thủ Đức.
Trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư liên quan đến một số dự án trên địa bàn TP, như tuyến metro số 1, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến khẳng định công trình vẫn đang thi công bình thường. Hiện TPHCM đang chờ ý kiến của trung ương chấp thuận cho tăng vốn đầu tư của dự án. TP đang tạm ứng vốn và đủ sức để triển khai dự án. Dự án tuyến metro số 1 đã hoàn thành khoảng 70%, dự kiến hoạt động đúng tiến độ vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Do tổng mức đầu tư hiện nay thay đổi theo đúng thực tế của dự án (thiết kế ban đầu không đúng). TPHCM đã ký hiệp định vay và đã có sẵn tiền, chỉ chờ cấp có thẩm quyền đồng ý thì TP sẽ có vốn. Quốc hội đã giám sát, HĐND TP cũng giám sát dự án này và xác định chất lượng và tiến độ dự án tốt.
Về dự án chống ngập do Công ty Trung Nam làm chủ đầu tư, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết dự án đang triển khai. Chỉ đang trục trặc ở cơ chế xác nhận về giải ngân vốn 3 bên chưa có tiền lệ. Một dự án BT thì chủ đầu tư phải chuẩn bị về vốn để triển khai dự án, sau đó đơn vị có thẩm quyền nghiệm thu quyết toán công trình và sẽ thanh toán. Nhưng do cơ chế xác nhận là vấn đề mới, TP đang cố gắng tháo gỡ để chủ đầu tư vay được vốn ngân hàng.