Chung cư nằm cạnh rạch Đầu Ngựa, có hàng hoa sứ trắng thơm lừng ven con rạch khi đầy khi vơi rất đẹp mắt. Chúng tôi vẫn nghĩ, đấy là nơi đáng sống, khó tìm ở thành phố nhộn nhịp, chật chội này.
Chung cư nằm trên đường Bùi Văn Ba, kế bên Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM), nơi nhiều ngày nay được đánh giá là ổ dịch nguy hiểm. Mỗi ngày, số ca F0 được đưa đi cách ly vẫn tăng. Từ trên tầng cao, những người bạn cùng chung cư vẫn làm “phóng viên chiến trường” cho cư dân, ghi lại những sự kiện bên dưới… Những ngày đầu của đợt phong tỏa là chuỗi hoang mang, lo lắng bất an trong lòng mọi người. Đôi khi, nước mắt tôi bất ngờ rơi xuống khi nhìn thấy trong nhóm người được đi cách ly có một hai đứa nhỏ lẫm chẫm.
Ngay trước khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì đường Bùi Văn Ba đã bị phong tỏa do có ca F0. Ba bốn ngày liên tiếp, giá rau đội lên gấp đôi gấp ba mà vẫn không mua nổi một bó vì cung không đủ cầu. Mấy ngày đầu giăng dây, hầu hết công nhân, lực lượng bảo vệ, các em trực chốt giữ xe đều nhất loạt ăn mì gói. Hỏi ra mới biết vì chi phí cho một bữa ăn quá đắt đỏ.
Khu Jamona Heights nơi tôi ở, mặt bằng thu nhập của người dân cao hơn khi phần đông là nhân viên các cơ quan, bác sĩ, giảng viên đại học… nên không gặp khó khăn về tài chính nhưng vẫn gặp khó khăn khi các mặt hàng thiết yếu không đủ cầu, có lúc không thể mua rau củ quả được dù xếp hàng từ 6 giờ sáng. Đúng là có tiền cũng chưa chắc đã mua được bó rau ở đây. Những bữa ăn trong gia đình phải dè xẻn từng chút rau vì lo nay ăn, mai thiếu…
Chung cư có một nhóm chung trên Zalo. Đúng kiểu nơi “tối lửa tắt đèn có nhau”. Bình thường, tôi ít khi để ý, nhưng những ngày phong tỏa, bỗng thấy ấm áp khi vào ra nhóm chung ấy. Khi có người thiếu trứng chiên cho con nhỏ - lên nhóm chia sẻ; nhà thiếu hành, thiếu tỏi - lên nhóm chia sẻ.
Có hôm, gần khuya, một cô lên xin gói mì chay vì không mua được, một lúc sau thấy cô đã chụp hình có cả chục gói mì chay, thêm hành lá, nấm, cà chua… xếp hàng thành một dãy để ở sảnh tặng. Cô bảo, ân tình ấy là sự may mắn mà cô nhận được. Tôi cũng cảm thấy mình vui lây và cảm thấy mình cũng may mắn khi được chứng kiến những điều tích cực nho nhỏ như thế trong những ngày dịch bệnh âu lo thế này.
Bạn bè tôi cũng như nhiều nhóm thiện nguyện khác chuyển gạo, rau, trứng, cá hộp từ ngoài khu phong tỏa vào, dân phía trong từ bảo vệ khu phố, nhà báo, công an… hết thảy đều tình nguyện làm shipper miễn phí đưa tới tận tay công nhân, người nghèo, người thiếu. Phần thưởng duy nhất là những nụ cười trao phía sau lớp khẩu trang, thi thoảng có những giọt nước mắt lăn theo lời cảm ơn vì nhận được “một miếng khi đói”.
Rồi cũng từ những ngày trong khu vực phong tỏa, không chỉ là nỗi buồn khi muốn mua rau mà không có, còn là nỗi xót xa, đôi khi có cảm giác tim nhói lên một nhịp khi nghe chị chủ nhà trọ A. nói: “Con bé đó nuôi con nhỏ bú mẹ, mà mẹ ăn toàn mì gói”, khi anh công an khu vực điện thoại tới nhờ kết nối gạo về cho công nhân vì họ chờ hoài chưa tới lượt nhận hỗ trợ… Rồi tôi bỗng thấy những nặng lòng được cởi bỏ khi bất ngờ thành shipper (người vận chuyển hàng) bất đắc dĩ trong tâm dịch. |
Chị dược sĩ vẫn sẵn lòng chia sẻ kiến thức phòng chống dịch, bệnh tật cho mọi người vừa nhắn trên group chung cư: “Tối qua chị thấy nửa đêm các cô chú anh chị còn chuyển rau củ quả về chia sẻ cho dân mình. Mọi người chia nhau từng trái chanh, cọng hành khi thiếu. Nơi đáng sống là đây chứ còn đâu nữa”.
Câu nói của chị khiến một đứa đa cảm như tôi lại rưng rưng muốn khóc. Bởi, ở thành phố này đã 20 năm, nơi tôi học hành, lập nghiệp, an cư nhưng vốn tính hoài cổ, tôi thường có cảm giác yêu quê mình hơn nơi đang sống. Để rồi, chính từ trong tâm dịch này, lần đầu mới cảm thấy được mình đã yêu và thương nơi mình đang sống biết bao nhiêu…