Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt nói trên; xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị trực thuộc, người đại diện phần vốn của Nhà nước tại các đơn vị đã để xảy ra mất an toàn giao thông đường sắt do nguyên nhân chủ quan.
Bộ GTVT cũng nghiêm túc rút kinh nghiệm và tiếp tục chỉ đạo Cục ĐSVN, Tổng Công ty ĐSVN triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn đường sắt trong thời gian tới.
Trước mắt, sẽ khẩn trương tìm ra nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan; đồng thời kiểm tra, rà soát toàn diện các quy trình tác nghiệp đón, tiễn tàu của nhân viên gác chắn đường ngang và các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, tuyệt đối không để xảy ra những vụ tai nạn tương tự trên các tuyến đường sắt.
Bên cạnh đó, sẽ rà soát lại hệ thống hạ tầng, thông tin tín hiệu, trang thiết bị liên quan đến công tác tổ chức chạy tàu để bổ sung, cải tạo kịp thời, phù hợp; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý an toàn giao thông đường sắt.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục ĐSVN, Tổng Công ty ĐSVN và các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với công an các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi vi phạm trật tự ATGT đường sắt, đặc biệt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt thường xuyên xảy ra tai nạn.
Bộ GTVT cũng giao Cục ĐSVN xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn diện đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt quốc gia, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại một số địa phương có tình hình tai nạn giao thông đường sắt tăng cao.