Sáng 29-11, Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Phiên họp Quốc hội sáng 29-11 |
Trong lĩnh vực tài chính, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan cổ phần hóa các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); đánh giá và có phương án giải quyết trường hợp doanh nghiệp quá hạn, mất khả năng thanh toán trái phiếu đã phát hành; kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ… trong giới hạn cho phép, tiếp tục cải thiện tín nhiệm quốc gia; quan tâm phát triển mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường vốn.
Trong lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội yêu cầu hoàn thiện pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, nhất là cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín dụng, tình trạng doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức tín dụng; triển khai quyết liệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả và thực chất phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; tích cực triển khai phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, bảo đảm yêu cầu tăng trưởng tín dụng, giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực ngân hàng; đẩy mạnh thực hiện chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và có giải pháp phù hợp sử dụng hiệu quả gói cho vay hỗ trợ lãi suất.
Trong lĩnh vực công thương, Quốc hội yêu cầu khẩn trương ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện, xăng, dầu cho sản xuất và tiêu dùng; rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phát triển điện năng lượng tái tạo; sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh...
Các đại biểu dự phiên họp sáng 29-11. Ảnh: QUANG PHÚC |
Với lĩnh vực giao thông vận tải, trong quý II-2024, Chính phủ phải ban hành quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam. Trong năm 2024, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan hệ thống thu phí điện tử không dừng và có giải pháp xử lý các vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT; khẩn trương đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường bộ cao tốc.
Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Quốc hội yêu cầu thực hiện nghiêm việc bố trí đủ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước; tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa; tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo, nhất là đội ngũ nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn; tập trung đào tạo được 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030...
Trong lĩnh vực y tế, Quốc hội yêu cầu thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xã hội hóa tại các bệnh viện công lập; nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên y tế, trong đó có nhân viên y tế thôn, bản, khu, cụm công nghiệp.
Năm 2024, Chính phủ có phương án giải quyết dứt điểm vướng mắc, bất cập, sớm đưa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam vào hoạt động; có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập; song song, nghiên cứu ban hành cơ chế hoàn trả tiền cho người dân khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc điều trị và vật tư y tế, giải quyết triệt để tình trạng cơ quan bảo hiểm xã hội nợ thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Với lĩnh vực nội vụ, Quốc hội yêu cầu sớm hoàn thành có chất lượng việc xây dựng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương.
Chậm nhất đến quý II-2024, Chính phủ hoàn thành xây dựng đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai có hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024.