Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản số 4258/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 8-2024 (tại phiên họp thứ 37, tháng 9-2024).
Thông báo nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao Ban Dân nguyện trong việc xây dựng Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 8-2024 và cơ bản nhất trí với những nội dung trong báo cáo; đồng thời đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các kiến nghị của UBTVQH tại các báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội hàng tháng.
UBTVQH giao Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến của các đồng chí Ủy viên UBTVQH, bổ sung một số nội dung sau: số liệu thiệt hại cụ thể về người, tài sản do cơn bão số 3 gây ra; nêu rõ các bộ, ngành chưa trả lời kiến nghị của cử tri theo đúng thời hạn quy định vào trong báo cáo (hiện đang thể hiện ở phụ lục 1).
Nội dung về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và ý kiến phát biểu của đại diện một số bộ, ngành, cơ quan hữu quan cũng cần được bổ sung để hoàn thiện, phát hành Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 8-2024 gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết (đã được nêu cụ thể tại phần IV của báo cáo).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Ngoài các nội dung đã được Ban Dân nguyện đề xuất tại báo cáo, đề nghị Ban Dân nguyện bổ sung một số nội dung kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể:
(1) Các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu có chính sách, giải pháp căn cơ, lâu dài để hạn chế thiệt hại đối với người dân trong việc phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do tác động của lũ ống, lũ quét tại các địa phương miền núi.
(2) Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổng điều tra rà soát trên toàn quốc về các cơ sở trợ giúp xã hội, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, kể cả công lập và ngoài công lập, đặc biệt là các cơ sở trông giữ trẻ em từ thiện, tự phát trên địa bàn để nắm và tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phòng ngừa các hành vi bạo hành và xâm hại trẻ em.
(3) Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương thực hiện nghiêm việc xử lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em; chú trọng mở rộng các nguồn tin báo tố giác tội phạm từ các cơ quan báo chí, người dân, cơ quan, tổ chức để xác minh, điều tra, xử lý kịp thời; thông tin kịp thời kết quả giải quyết các vụ việc này trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là phương tiện truyền thông ở cấp cơ sở, nhất là các thủ đoạn mới của các loại tội phạm này để nâng cao khả năng phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm bạo hành và xâm hại trẻ em.