Áp dụng sách giáo khoa mới lớp 1 từ năm học 2020-2021
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, Bộ GD-ĐT trình thời gian áp dụng chương trình, SGK mới lên Chính phủ, thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, tức là áp dụng SGK mới vào năm học 2020-2021 đối với lớp đầu tiên của tiểu học; năm học 2021-2022 đối với lớp đầu tiên của cấp THCS; năm học 2022-2023 đối với lớp đầu tiên của THPT.
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, thời điểm thực hiện chương trình, SGK mới là thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng chỉ báo cáo Chính phủ để biết chứ không phải để Chính phủ quyết. “Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT thực hiện đúng Nghị quyết Quốc hội, chủ động trong tổ chức, Thủ tướng không quyết làm trước hay làm sau, tránh đẩy việc lên Thủ tướng”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Tương tự, các vấn đề về đổi mới kỳ thi THPT, ra đề thi... Bộ GD-ĐT thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ về phương án thi 2019, theo đó bảo đảm giảm áp lực, khách quan, làm cơ sở để các trường đại học có căn cứ tuyển sinh. Bộ sẽ chuẩn hóa đề thi, hoàn thiện phần mềm chấm thi, bảo đảm không có kẽ hở cho gian lận; tiến hành chấm chéo để bảo đảm khách quan..
Xây dựng Nghị định thực hiện Luật An ninh mạng một cách công khai, minh bạch
Đối với vấn đề dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu khi đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, Thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh văn phòng Bộ Công an khẳng định, nội dung này không trái với các cam kết quốc tế.
Hiện 18 quốc gia trên thế giới đã có văn bản luật quy định các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, như Mỹ, Canada, Trung Quốc... Ngày 25-5-2018, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của liên minh châu Âu cũng chính thức có hiệu lực, cho phép cá nhân kiểm soát dữ liệu của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội. Các công ty phải cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3; nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 triệu euro hay 4% doanh số toàn cầu. Quy định này cũng phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, vì hiện Google đặt 70 văn phòng đại diện trên thế giới, còn Facebook đã đặt 80 văn phòng. Ở khu vực Đông Nam Á, Google và Facebook đã mở văn phòng đại diện tại Singapore, Malaysia...
Chánh văn phòng Bộ Công an cũng khẳng định, quy định trên phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước như Luật Quản lý ngoại thương, Luật Thương mại và các văn bản liên quan. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới như Goolge, Facebook đang hoạt động kinh doanh, sinh lợi tại Việt Nam thuộc sự điều chỉnh các văn bản này. Hiện với dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp như Google, Facebook phải mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Quy định trên cũng không trái cam kết quốc tế gồm các điều ước liên quan WTO, CPTPP, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994, Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới sở hữu trí tuệ.
Nói thêm vế vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã nhận được ý kiến của một số tổ chức nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao liên quan Luật An ninh mạng và dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành. Việc ban hành Luật An ninh mạng rất cần thiết và Quốc hội đã thông qua; Bộ Công an đang xây dựng dự thảo nghị định để trình Chính phủ ban hành. “An ninh mạng rất cần thiết, nằm trong tổng thể các vấn đề an ninh quốc gia, trật tự xã hội..., nhưng vẫn phải đảm bảo môi trường tốt để thu hút đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Việc xây dựng dự thảo nghị định sẽ được cân nhắc thận trọng. Tại phiên họp lần này, Thủ tướng cũng đề cập đến việc xây dựng Nghị định thực hiện Luật An ninh mạng một cách công khai, minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, thậm chí mời một số cơ quan, tổ chức có liên quan để đóng góp ý kiến. Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định sẽ xây dựng nghị định theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đăng tải lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an trong 60 ngày.
Hà Nội chưa xử lý triệt để sai phạm về đất đai ở Sóc Sơn
Sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai ở Sóc Sơn, Hà Nội cũng là vấn đề báo chí đặt ra tại cuộc họp báo. Năm 2006, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có kết luận về quản ký, sử dụng đất đai ở Sóc Sơn, Hà Nội nhưng sau 12 năm Hà Nội vẫn chưa thực hiện. Trả lời về điều này, Phó Tổng TTCP Bùi Ngọc Lam cho biết, từ đó đến nay nhiều nội dung trong kết luận thanh tra đã được Hà Nội triển khai, nhưng còn một số nội dung xử lý chưa triệt để, nhất là xử lý các công trình, nhà hàng, khu giải trí trong đất rừng phòng hộ. Vì thế chính quyền Hà Nội vừa rồi đã giao Thanh tra thành phố Hà Nội thanh tra lại để chấn chỉnh các sai phạm, kiểm tra các đôn đốc thực hiện kết luận của TTCP. “Với trách nhiệm của mình, TTCP sẽ theo dõi, đôn đốc để bảo đảm Hà Nội kiểm tra, xử lý triệt để các kết luận thanh tra đúng theo quy định pháp luật”, ông Bùi Ngọc Lam nhấn mạnh.
Sớm công bố kết quả kiểm tra dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi
Về cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, dự án giao thông quan trọng nhất ở miền Trung hiện nay, tổng đầu từ 34.500 tỷ đồng nhưng mới đây ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thừa nhận dự án này chỉ đạt 6/10 điểm, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, đánh giá định tính không có cơ sở xác định, mà phải theo quy trình kỹ thuật thí nghiệm vật liệt đầu vào, xác suất, so sánh với thiết kế, giám sát thực hiện thi công…
Với tồn tại của dự án, Bộ GT-VT đã chỉ đạo rất quyết liệt chủ đầu tư khắc phục, kiểm điểm trách nhiệm. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nói thêm, sau khi có thông tin về dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ GT-VT rà soát, báo cáo, công bố chính thức kết quả kiểm tra, báo cáo Thủ tướng. Ngày 18-10, Bộ GT-VT đã công bố quyết định kiểm tra dự án này và hiện nay vẫn đang tiến hành. Kết quả kiểm tra sẽ được công khai.