Theo đó, UBND TP Hà Nội giao UBND quận Thanh Xuân rà soát hồ sơ khảo sát, thiết kế, quản lý cấp phép và thi công xây dựng công trình, đồng thời xác định rõ nguyên nhân sự cố, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cùng với đó, giao UBND quận Thanh Xuân ngừng sử dụng công trình chung cư nêu trên, khoanh vùng nguy hiểm, di chuyển người và tài sản để đảm bảo an toàn; hỗ trợ bố trí chỗ ở tạm, đảm bảo ổn định cuộc sống cho các hộ dân trong thời gian di dời; quản lý hiện trường, theo dõi, quan trắc nhằm phát hiện, cảnh báo và xử lý kịp thời những tình huống bất lợi có thể gây mất an toàn cho công trình và các công trình lân cận.
Đặc biệt, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố rà soát toàn bộ loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, chung cư mini. Từ đó, đánh giá phân tích kỹ tính chất pháp lý, việc quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng, kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xử lý vi phạm về phòng cháy chữa cháy.
Theo báo cáo ban đầu của UBND quận Thanh Xuân, chung cư ở số 22 ngách 236/17 đường Khương Đình được cấp giấy phép xây dựng vào năm 2016, cho phép chủ đầu tư được xây công trình cao 5 tầng. Tuy nhiên so với giấy phép được cấp, chủ đầu tư đã nâng công trình lên thành 8 tầng, trong đó tầng 1 là nơi để xe máy và thiết bị kỹ thuật. Từ tầng 2 lên tầng 8, mỗi tầng có 8 căn hộ và từ năm 2017 sau khi hoàn thành đã có khoảng 60 hộ dân sinh sống.
Mặc dù là nơi ở của hàng chục hộ dân, nhưng chung cư mini trên chỉ có một lối ra vào rộng hơn 1m. Cầu thang bộ từ tầng 1 lên tầng 8 của tòa nhà được thiết kế chật hẹp, đi qua hầm để xe. Lối thoát nạn thứ 2 được làm tạm bợ bằng những thanh sắt, gắn bên ngoài tòa nhà.
Ngoài xây vượt tầng thì so với bản thiết kế, phần chịu lực của tòa nhà bị khuyết 1 thanh dầm ra thang máy. Hiện nay, tại tầng 1 của tòa nhà, ngoài 2 cột giữa tòa nhà bị nứt vỡ mất khả năng chịu lực, còn có 4 cột quanh nhà cùng dầm chịu lực cũng bị ảnh hưởng.