Ngày 12-8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Trình bày một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, ngay sau kỳ họp, thực hiện chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Xã hội đã phối hợp với Bộ Y tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Hầu hết các nội dung của dự thảo luật sau chỉnh lý đã đạt được sự thống nhất của các cơ quan.
Phát biểu đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần làm rõ một số nội dung trong dự thảo.
Cụ thể, về vấn đề cấp giấy phép lưu hành thuốc, phải làm rõ quan hệ sở hữu, quản lý, vận hành, quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa doanh nghiệp, tổ chức chuỗi nhà thuốc. Bởi tuy cùng là phân cấp cho địa phương nhưng lập luận trong dự thảo luật về việc phân cấp này vẫn khác nhau, nên cần giải trình và rà soát thêm về vấn đề này.
Vấn đề kinh doanh thuốc và nguyên liệu làm thuốc, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu báo cáo giải trình cần bổ sung rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm như về nguy cơ mất cân đối thị trường phân phối thuốc, ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của các đơn vị kinh doanh nhỏ, nguy cơ bán chuỗi cho nước ngoài, thận trọng trong quy định kinh doanh thuốc theo hình thức thương mại điện tử.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu trong dự thảo cần phải rà soát, làm rõ và có quy định chặt chẽ về việc kiểm soát chênh lệch giá bán thuốc giữa các cơ sở khác nhau, vấn đề quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng tràn lan trên truyền thông và không gian mạng nhưng không đúng bản chất.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Về phía nhà thuốc, chúng ta nói về giá thuốc, điểm mới lần này của dự thảo luật là kiểm soát giá mua bán, bán buôn, nội dung này tiếp tục nghiên cứu để không làm ảnh hưởng đến việc mua thuốc của cơ sở y tế, đặc biệt là phải làm rõ trách nhiệm của cơ sở kinh doanh khi công bố giá của cơ quan quản lý, cảnh báo giá bán thuốc".
Bên cạnh đó, cần rà soát thêm phần hậu kiểm để đảm bảo về chất lượng thuốc, "đừng để tiền mất tật mang vì quảng cáo thuốc". Bộ Y tế cần phải kiểm soát được về giá bán và chất lượng thuốc. Giá bán ở các nhà thuốc phải thống nhất, chứ không phải cùng một loại thuốc đó, nhà thuốc A thì bán thế này, nhà thuốc B thì bán thế khác.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị việc cần có quy định về kiểm soát quảng cáo thuốc. “Đồng chí Bộ trưởng Y tế cứ xem tivi xem từ 5 giờ 30 phút buổi sáng sẽ thấy có rất nhiều loại thuốc được quảng cáo, "nhưng cuối cùng thì lại bảo sản phẩm này không phải là thuốc". Vì là thực phẩm chức năng nên không phải chịu trách nhiệm. Quảng cáo mà không chịu trách nhiệm thì như thế nào, chúng ta cần phân tích cặn kẽ”.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan thẩm định cần rà soát trong dự thảo có xuất hiện nhóm tiêu cực, nhóm lợi ích nào không, để từ đó điều chỉnh lại. “Khi trình ra Quốc hội thì dự thảo phải là sản phẩm của UBTVQH chứ không còn phải là của Ủy ban Xã hội hay Bộ Y tế nữa. Tôi đề nghị Bộ Y tế là cơ quan soạn thảo cần phải nâng cao trách nhiệm, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.