Chiều 19-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021.
Theo đó, Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước; bội chi ngân sách nhà nước bằng 2,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Ảnh: QUANG PHÚC |
Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán NSNN năm 2021 theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp và các đơn vị quản lý, sử dụng NSNN thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, sử dụng, quyết toán NSNN, không lặp lại các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.
Trong năm 2023, tiếp tục thực hiện các quyết nghị chưa hoàn thành tại các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quyết toán NSNN; có các giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: QUANG PHÚC |
Cùng với đó, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn NSNN; tiếp tục kiểm soát bội chi NSNN, nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô; chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ và xem xét xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đến hết ngày 30-6 đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền.
Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hàng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 để tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN.
Trước đó, trình bày tóm tắt báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán NSNN năm 2021 và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, để đồng bộ các nội dung liên quan đến giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo yêu cầu Chính phủ hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thanh toán, quyết toán các khoản huy động, thu, chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để nêu rõ các tồn tại, hạn chế trong công tác giải ngân vốn đầu tư công và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: QUANG PHÚC |
Nhiều ý kiến cho rằng, số chi chuyển nguồn năm 2021 sang 2022 lớn, tăng cả quy mô, tỷ trọng và có xu hướng gia tăng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến việc chi chuyển nguồn lớn, tăng cả quy mô và tỷ trọng.
Trong thời gian vừa qua, các nghị quyết của Quốc hội liên tục yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này, nhưng đến nay cơ bản chưa có biến chuyển. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nêu rõ các tồn tại, hạn chế và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục.
Cùng ngày, sau khi Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi).
Luật Giá (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như: loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi...