Trước đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra một số sai phạm của ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị và các nguyên lãnh đạo của Vinachem gồm các ông: Đỗ Quang Chiêu, Nguyễn Quốc Tuấn, Đỗ Duy Phi là rất nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật.
Trước những sai phạm tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Bộ Công thương khẳng định quan điểm của Bộ Công thương là xử lý nghiêm minh. Từ đầu năm 2017, Bộ Công thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc việc kiểm điểm các tập thể, cá nhân sai phạm liên quan đến các dự án thua lỗ của Vinachem.
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoàn thành việc kiểm tra và có thông báo Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban thường vụ Đảng ủy và một số đồng chí trong Hội đồng thành viên Vinachem, hiện nay tập thể lãnh đạo, cán bộ tập đoàn và các cá nhân liên quan đã và đang tích cực thực hiện việc kiểm điểm với các nội dung liên quan theo đúng kết luận và yêu cầu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cấp có thẩm quyền.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về một số nội dung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy một số cá nhân thì Ban Thường vụ Đảng ủy Vinachem nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015 thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên; không xem xét, xử lý trách nhiệm đối với một số cán bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tập đoàn có vi phạm, khuyết điểm để các đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm. Điều động, luân chuyển, bổ nhiệm một số trường hợp vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước. Ban Thường vụ Đảng ủy Vinachem thiếu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Tập đoàn và một số công ty trực thuộc không bảo toàn được vốn chủ sở hữu; hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ nghiêm trọng, trong đó nhiều công ty thua lỗ liên tục 2 năm trở lên, điển hình như Công ty Đạm Ninh Bình lỗ 4 năm liền; một số công ty của tập đoàn góp vốn thành lập các công ty cổ phần, công ty liên doanh, liên kết không hiệu quả. Vi phạm trong quản lý các khoản nợ phải thu, phải trả và việc trích lập quỹ; trong việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quản lý và sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả. Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư.
Đối với dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, mặc dù đã được các bộ ngành, cơ quan chuyên môn cảnh báo dự án hiệu quả thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, song HĐTV và Tổng Giám đốc tập đoàn vẫn trình cấp có thẩm quyền quyết định triển khai, dẫn đến nhà máy này liên tục thua lỗ với số tiền trên 2.500 tỷ đồng. Nhiều dự án tập đoàn đầu tư không hiệu quả, trong đó có 4/5 dự án lỗ lũy kế trên 4.200 tỷ đồng.