Yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam
SGGPO
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉnh lý dự thảo theo hướng: không quy định nội dung “đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam” trong dự thảo Luật, tuy nhiên, UBTVQH đề nghị giữ lại nội dung đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, trong dự thảo Luật và ghép với quy định tương tự đối với doanh nghiệp trong nước.
Tiếp tục chương trình phiên họp sáng 29-5, Quốc hội đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng và thảo luận tại hội trường về dự án Luật này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp.
Vấn đề bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng đối với doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam (khoản 4 Điều 34 dự thảo Luật do Chính phủ trình) tiếp tục được ông Vũ Trọng Việt chú trọng giải trình.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cung cấp thông tin: “Nhiều ý kiến nhất trí với quy định tại khoản 4 Điều 34 dự thảo Luật do Chính phủ trình là bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam. Bên cạnh đó, một số ý kiến lại không nhất trí với quy định này, vì cho rằng khó bảo đảm tính khả thi, không đúng với thực tiễn, gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.
Sau khi cân nhắc nhiều mặt, đồng thời tham khảo các quy định tương tự của pháp luật một số nước (pháp luật của một số quốc gia là thành viên của WTO như Hoa Kỳ, Canada, Australia, Đức, Pháp, Hy Lạp, Đan Mạch, Phần Lan, Bungaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Venezuela, Colombia, Argentina, Brazil, Indonesia, Trung Quốc... đều có quy định phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia), UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo theo hướng: không quy định nội dung “đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam” trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.
Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị giữ lại nội dung "đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam" trong dự thảo Luật và ghép với quy định tương tự đối với doanh nghiệp trong nước.
Theo UBTVQH, việc quy định như vậy sẽ có nhiều thuận lợi.
Một là, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng.
Hai là, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các Hiệp định cơ bản của WTO; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam; đồng thời, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay. Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 1-2018, Google đã thuê 1.781 máy chủ, Facebook đã thuê 441 máy chủ của các doanh nghiệp Việt Nam để lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
Ba là, tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi kinh doanh vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp này
Bốn là, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet tại Việt Nam hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến nay Google, Facebook chưa có đại diện chính thức tại Việt Nam.
Đối với dịch vụ quảng cáo trực tuyến của Google, YouTube, Facebook, Cơ quan Thuế chỉ mới quản lý thuế đối với các khoản thu nhập phát sinh từ đối tác/đại lý quảng cáo hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp của các công ty này tại Việt Nam.
Năm 2016, các công ty trong nước nộp thuế thay cho Google, YouTube, Facebook là 46,86 tỷ đồng
Theo thống kê ban đầu, kết quả như sau: Năm 2016, các công ty trong nước nộp thuế thay cho Google, YouTube, Facebook là 46,86 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng là 25,28 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 21,58 tỷ đồng); trong 9 tháng đầu năm 2017, các công ty trong nước nộp thuế thay cho Google, YouTube, Facebook là 73,2 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng là 39,08 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 34,12 tỷ đồng).