Theo Bộ TN-MT, hoạt động đấu giá đất đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một số tồn tại, bất cập đã làm hạn chế hiệu quả của chính sách này. Điển hình là việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất tại một số nơi còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất ở. Có trường hợp chậm, thậm chí không đưa đất vào sử dụng nhưng chưa được xử lý triệt để. Đã có tình trạng quá tải trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai tại một số địa phương.
Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ TN-MT đề nghị các địa phương tập trung vào việc thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là những khu “đất vàng”. Sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước để chống thất thu cho ngân sách nhà nước và phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.
Theo Bộ TN-MT, phương án đấu giá quyền sử dụng đất phải quy định rõ điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá (năng lực về tài chính, kỹ thuật, ký quỹ, nguồn vốn của chủ đầu tư, thời gian đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ nếu trúng đấu giá…). Cơ quan tổ chức đấu giá cần làm tốt công tác xác định giá khởi điểm bảo đảm giá khởi điểm phù hợp với giá thị trường; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, không để xảy ra tình trạng thông đồng, móc ngoặc trong các cuộc đấu giá.
Các tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể để thu nghĩa vụ tài chính đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất. Tăng cường chỉ đạo việc phối hợp và làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan định giá đất, hội đồng thẩm định giá đất để tổ chức thực hiện tốt việc quản lý, xác định giá đất cụ thể, bảo đảm tính đúng, tính đủ theo quy định.