Theo quy định tại Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cấp dưỡng là việc “một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống, hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của luật này”.
Tại Chương VII luật này (về cấp dưỡng) chỉ quy định nghĩa vụ cấp dưỡng, mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng, không đề cập đến việc tài sản cấp dưỡng cho con cụ thể là gì.
Do đó, cụm từ “tài sản khác” được đề cập tại Điều 3 nói trên sẽ được điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, ngoài tiền còn có vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Cổ phần là phần vốn nhỏ nhất được chia từ vốn điều lệ của công ty cổ phần, tỷ lệ cổ phần mà mỗi cổ đông nắm giữ tượng trưng cho tỷ lệ phần vốn mà người đó góp vào công ty.
Pháp luật dân sự thừa nhận quyền đối với phần vốn góp là quyền tài sản. Như vậy, cổ phần cũng là một trong các tài sản có thể được dùng để cấp dưỡng cho con. Do đó, việc yêu cầu cấp dưỡng cho con bằng cổ phần không hề trái với quy định pháp luật.
Khi yêu cầu cấp dưỡng cho con bằng cổ phần, có nghĩa là mong muốn cho các con trở thành cổ đông của công ty, nắm giữ lượng cổ phần, chứ không phải là giá trị hiện tại của lượng cổ phần đó. Và nếu trở thành cổ đông của công ty cổ phần, người đó sẽ có các quyền theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, trong đó có quyền nhận cổ tức.
Trừ trường hợp cổ phần mà cổ đông nắm giữ là cổ phần ưu đãi cổ tức, cho phép cổ đông được hưởng cổ tức cố định và cổ tức thưởng, các trường hợp còn lại, cổ đông chỉ được hưởng mức cổ tức theo kết quả kinh doanh của công ty và quyết định của đại hội đồng cổ đông.
Như vậy, nếu không có lợi nhuận thì cổ đông không được chia cổ tức. Không những vậy, cổ đông còn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty trong phạm vi số vốn đã góp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014.
Như vậy, yêu cầu cấp dưỡng bằng cổ phần có thể mang lại cho con các quyền lợi của cổ đông, nhưng cũng gắn với nghĩa vụ và rủi ro. Tất nhiên, cổ đông vẫn có quyền chuyển nhượng cổ phần khi nhận thấy việc nắm giữ cổ phần không mang lại cho mình những quyền lợi như mong muốn.
Không phải mọi trường hợp cấp dưỡng bằng cổ phần đều có thể mang lại quyền lợi tốt nhất cho con, trong khi đây lại chính là mục đích mà pháp luật về hôn nhân và gia đình hướng đến khi xử lý các trường hợp ly hôn.