Theo Bộ Y tế, hiện nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, viên chức, nhân viên y tế đang gặp nhiều khó khăn, vất vả; cường độ và áp lực công việc cao.
Cơ sở vật chất của các đơn vị y tế công lập còn hạn chế, môi trường làm việc căng thẳng, mệt mỏi, trong khi đó thu nhập lại bị giảm đáng kể, nhất là tại các đơn vị y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trong 2 năm vừa qua đã có nhiều viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.
Do đó, để có thông tin phục vụ công tác quản lý cũng như có biện pháp duy trì nhân lực y tế cần thiết làm việc tại các cơ sở y tế công lập nhằm bảo đảm nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc và nguyên nhân, thời điểm thống kê từ ngày 1-1-2022 đến ngày 15-6-2022.
Trước đó, tại nhiều địa phương trong cả nước có không ít y, bác sĩ đã xin nghỉ việc hoặc bỏ việc vì áp lực công việc.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo cho biết, trong năm 2021 có 532 cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác. Còn tính từ tháng 1 đến 4-2022, toàn ngành y tế Hà Nội có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác.
Vừa qua, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tập hợp các kiến nghị của cán bộ công nhân viên chức ngành y tế về chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một số cơ quan chức năng. Trong đó, bản kiến nghị này tập trung vào một số nội dung, như:
Về chính sách giá viện phí, kiến nghị nêu rõ, hiện nay, giá viện phí mới được tính 4/7 yếu tố đối với các dịch vụ y tế, trong khi 100% các bệnh viện phải tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn. Đây là một khó khăn lớn, các bệnh viện rất khó khăn trong việc lo lương và thu nhập tăng thêm cho cán bộ y tế.
Đề nghị ban hành chính sách viện phí được tính đúng, tính đủ chi phí để đảm bảo duy trì sự hoạt động của các bệnh viện, trong đó có chi phí đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế.
Về chính sách lương khởi điểm của bác sĩ ngành y tế, kiến nghị nêu rõ ngành y là một ngành đặc biệt theo Nghị quyết 46/NQ-BCT của Bộ Chính trị, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, có cơ chế đào tạo đặc thù.
Riêng đối với bác sĩ, thời gian đào tạo kéo dài 6 năm so với các ngành khác (thời gian đào tạo thông thường chỉ là 4 năm). Tuy nhiên, phải mất 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1.
Các ngành khác, chế độ tiền lương chỉ trả sau 4 năm đại học có mức lương khởi điểm là 2,34. Đây là một bất cập, đề nghị chế độ chính sách tiền lương khởi điểm riêng với bác sĩ ngành y, được áp dụng mức khởi điểm tương đương bậc 2 là 2,67.
Về chính sách thâm niên nghề, so sánh với ngành giáo dục, 2 ngành được xã hội tôn vinh là thầy, lao động trong ngành y có phần vất vả, độc hại hơn nhiều nhưng lao động ngành y không được hưởng chế độ thâm niên nghề như hiện nay ngành giáo dục được hưởng. Do đó, đề nghị quan tâm đến chế độ được hưởng chế độ thâm niên nghề y như đối với ngành giáo dục.
Về phụ cấp ưu đãi nghề, Công đoàn Y tế Việt Nam nêu rõ, theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4-7-2011 của Chính phủ, cán bộ y tế được hưởng mức độ từ 20 - 70% chế độ phụ cấp ưu đãi nghề.
Rất nhiều người lao động làm việc trong điều kiện môi trường độc hại bệnh viện, vẫn phải tiếp xúc với người bệnh, mầm bệnh nhưng lại không được hưởng phụ cấp này.
Vì vậy, đề nghị quan tâm nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% và mở rộng một số đối tượng người lao động trong ngành y tế cùng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.