Sáng 7-3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như thực tế khảo sát việc thực hiện tại các địa phương vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ những tồn tại, vướng mắc trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị thời gian qua.
Theo người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực tiễn.
Tuy nhiên, một số nội dung trong các luật hiện hành còn chồng chéo, chưa thống nhất, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị.
"Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật đất đai. Nhưng nhiệm vụ này chưa được triển khai thực hiện tốt, nên một số quy hoạch chưa thống nhất và chưa bảo đảm tính tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gây khó khăn cho triển khai. Việc triển khai lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm so với yêu cầu; kinh phí cho công tác này chưa được cấp đầy đủ, kịp thời…" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận.
Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 sẽ được hoàn thiện, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, khai mạc vào tháng 5 tới.