So với phương án được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước, tiến độ trồng rừng thay thế đã được đẩy lên sớm 1 năm, nghĩa là sẽ hoàn thành cùng lúc với dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội báo cáo về tình hình thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận, một dự án được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây do phải chuyển đổi mục đích sử dụng một diện tích đất rừng khá lớn.
Cụ thể, theo dự án (được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 101/2023/QH15), hồ chứa nước Ka Pét có dung tích toàn bộ Wtb=51,21 triệu m3, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73ha, tổng mức đầu tư là 874,1 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách trung ương gần 520 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 354 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019-2025. Hiện công tác kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng đã hoàn thành và được các ban, ngành liên quan của tỉnh Bình Thuận thẩm định.
Về trồng rừng thay thế, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở NN-PTNT rà soát cụ thể từng vị trí nhằm đảm bảo diện tích trồng rừng cho toàn bộ 1.844,54ha diện tích cần trồng rừng thay thế của dự án và phải trồng bằng các loài cây bản địa như dầu, sao đen… Việc trồng rừng đảm bảo hoàn thành cùng thời điểm hoàn thành dự án hồ chứa nước Ka Pét vào cuối năm 2025.
Như vậy, so với phương án trồng rừng thay thế được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước, tiến độ đã được đẩy lên sớm 1 năm (phương án trình Quốc hội tại kỳ họp trước chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 trồng 200ha, giai đoạn 2 trồng 134,22ha, giai đoạn 3 trồng 100ha, năm 2026 mới hoàn thành). Tổng vốn đầu tư trồng rừng thay thế của dự án gần 177 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ TN-MT chưa nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Bộ TN-MT khẳng định sẽ xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đáng lưu ý, theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này cần phải bổ sung thêm tài liệu thể hiện mô hình ứng phó sự cố vỡ đập và đánh giá đa dạng sinh học, do dự án có tác động đến rừng trong khu bảo tồn. Việc này nhằm tuân thủ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.