Chương trình diễn ra đảm bảo theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội.
Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng gồm 2 phần: Miền Nam trong trái tim Người và Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng.
Trong đó, phần 1 được tác giả hoàn thành và xuất bản vào năm 1972, còn phần 2 được hoàn thành vào năm 1996. Cũng chính từ lúc này, hai phần được gộp thành cuốn sách như hiện nay. Từ đó đến nay, sách đã được in đến lần thứ 20, sau mỗi lần tái bản, tác giả lại bổ sung thêm tư liệu, tình tiết mới.
Nhà văn Trình Quang Phú là GS-TS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, từng công tác trong nhiều lĩnh vực, nhưng điều dễ nhận thấy nhất là đam mê văn chương, đặc biệt là tâm huyết viết về Bác Hồ. Là học sinh miền Nam ra miền Bắc, Trình Quang Phú đã có cơ hội được đến thăm Bác Hồ. Sau đó, khi tham gia vào chiến trường miền Nam, mỗi lần có đoàn miền Nam ra thăm Bác, ông lại được đi theo để viết bài, chụp ảnh. Đó chính là cơ hội quý giá để ông tiếp cận, hiểu cặn kẽ về Bác.
Ngoài Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng, nhà văn Trình Quang Phú còn là tác giả của nhiều cuốn sách viết về Bác Hồ như: Miền Nam trong lòng Bác, Người là niềm tin, Đường Bác Hồ đi cứu nước, Theo Bác đi kháng chiến.
Tại tọa đàm, nhà văn Trình Quang Phú kể, năm 1968, sau thời gian đi công tác ở nước ngoài về, ông đến báo cáo với Bác. Trong bữa cơm, ông vô tình để cục cơm nhỏ rơi xuống, định lượm cục cơm đó bỏ vào bát xương, nhưng chưa kịp làm thì Bác liền thò tay lượm bỏ vào trong bát của mình. Lúc đó, Bác nhìn ông rồi nói rất nhẹ nhàng: “Người nông dân làm nên hạt gạo hai sương một nắng, cháu ạ!”.
“Chi tiết này lập tức đi thẳng vào đầu, gieo vào lòng tôi suốt cuộc đời. Bác đã cho tôi một bài học về tiết kiệm, trân trọng công sức lao động. Tôi có may mắn được tiếp xúc với Bác nhiều lần, biết được rất nhiều câu chuyện giản dị như vậy. Chính những câu chuyện nhỏ ấy cho thấy một nhân cách rất vĩ đại của Bác, tôi cũng như nhiều người khác càng yêu và kính trọng Bác nhiều hơn”, nhà văn Trình Quang Phú tâm sự.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, phát biểu: “Tôi nhận ra sự chân thành trong trái tim và sự chân thực của nhà văn Trình Quang Phú sau trang viết, sau nhiều cuốn sách viết về Bác Hồ và cả nhiều cuốn sách của ông viết về nhiều đề tài khác, bằng những việc làm hết sức cụ thể của mình trong suốt hành trình theo chân Bác. Đó là sự âm thầm cống hiến với tất cả nhiệt huyết và trách nhiệm đối với cuộc đời, đối với quê hương, đối với đất nước và nhất là đối với các thế hệ hôm nay và cả mai sau, bằng trọn vẹn một chữ tình”.