Tại vòng chung kết xếp hạng, 5 thí sinh Yamashita Hồng Ân (lớp 12 Tin, Trường Phổ thông năng khiếu, TPHCM); Đặng Lê Minh Anh (lớp 10A2 Trường THPT Thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị); Đặng Ngọc Duy Khang (lớp 12A11 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM); Nguyễn Mai Thảo Trâm (lớp 11 Tin Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam); Nguyễn Ngọc Tú (lớp 10A1 Trường THCS – THPT Đông Du, tỉnh Đắk Lắk) đã trải qua các phần thi: Hiểu về ước mơ, Sống với ước mơ, Giữ lửa ước mơ.
Với phần thi Hiểu về ước mơ, các thí sinh tham gia phần thi trắc nghiệm với bộ đề 10 câu hỏi về kiến thức phổ thông và thông tin ngành nghề mà thí sinh theo đuổi. Với phần thi Sống với ước mơ, thí sinh nhập vai xử lý tình huống nghề nghiệp, thể hiện khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp mơ ước. Ở phần thi này, thí sinh cùng nghệ sĩ Lê Nam và Thanh Thủy giải quyết tình huống nghề nghiệp. Trong phần thi Giữ lửa ước mơ, 5 thí sinh chia sẻ giá trị xã hội nghề nghiệp mà mình theo đuổi thông qua phần thi hùng biện và trả lời câu hỏi của ban giám khảo.
Thí sinh Yamashita Hồng Ân (học sinh lớp 12 Tin, Trường Phổ thông năng khiếu, TPHCM) thể hiện bản lĩnh trong phần thi Sống với ước mơ
Thí sinh Đặng Ngọc Duy Khang (lớp 12A11 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM) trong phần thi Giữ lửa ước mơ
Giải thưởng dành cho quán quân Yamashita Hồng Ân là 1 suất học bổng học phí chương trình cử nhân tại Đại học Western Sydney (Úc) trị giá tối thiểu 75.000 đô la ÚC (giá trị tùy theo ngành học mà thí sinh lựa chọn), chuỗi 4 chương trình huấn luyện kỹ năng “Thế hệ tiếp nối” tại Trường Doanh nhân Đắc Nhân Tâm và 10 triệu đồng.
Yamashita Hồng Ân (học sinh lớp 12 Tin, Trường Phổ thông năng khiếu, TPHCM) đoạt quán quân Cuộc thi “Thực hiện ước mơ” lần 6
Ban tổ chức trao 2 giải nhì, mỗi giải gồm giải thưởng tiền mặt, 1 suất học bổng tiếng Anh 4 tuần tại Đại học Wesstern Sydney (Úc) trị giá 7.500 đô là Úc, chuỗi các chương trình “Thế hệ tiếp nối” tại Trường Doanh nhân Đắc Nhân Tâm cho 2 thí sinh: Đặng Ngọc Duy Khang với ước mơ trở thành biên đạo múa và thí sinh Nguyễn Mai Thảo Trâm với ước mơ trở thành nhà quản trị chuỗi cửa hàng.
Trao giải cho 2 thí sinh đoạt giải nhì
2 giải ba, mỗi giải gồm giải thưởng tiền mặt, 1 suất học bổng tiếng Anh 4 tuần tại Đại học Wesstern Sydney (Úc) trị giá 7.500 đô là Úc, chuỗi các chương trình “Thế hệ tiếp nối” tại Trường Doanh nhân Đắc Nhân Tâm thuộc về 2 thí sinh: Nguyễn Ngọc Tú với ước mơ trở thành giáo viên dạy Toán, Đặng Lê Minh Anh với ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang.
Trao giải cho 2 thí sinh đoạt giải ba
Cuộc thi được Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM phối hợp với Thành Đoàn TPHCM, Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TPHCM, Viện Đào tạo Quốc tế - Đại học Kinh tế TPHCM và Báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự hỗ trợ học bổng du học cử nhân và tiếng Anh từ Trường Đại học Western Sydney (Úc), học bổng khóa huấn luyện kỹ năng từ trường Doanh Nhân Đắc Nhân Tâm – Dale Carnegie. Cuộc thi cũng được bảo trợ truyền thông bởi các đơn vị: Báo Sài Gòn Giải Phóng Online, HTV3 và Báo Mực Tím, Báo điện tử Yeah1.
Diễn ra từ tháng 10-2017, cuộc thi thu hút hơn hơn 200.000 lượt học sinh THPT các tỉnh, thành trong cả nước tham dự.
Anh Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ HS-SV TPHCM, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ: “Cuộc thi không chỉ dừng lại ở việc tìm ra người thắng giải, bao nhiêu học sinh được du học, bao nhiêu ước mơ đẹp đẽ và nhân văn được vẽ lên mà giá trị lớn nhất đến thời điểm hiện tại chính là sự trưởng thành của mỗi em học sinh trong suy nghĩ và nhận thức trách nhiệm của mình với tương lai. Các em sẽ tự xây dựng được bức tranh nghề nghiệp bản thân, mỗi phụ huynh có phương pháp đồng hành, định hướng ước mơ nghề nghiệp phù hợp với con em, mỗi trường học sẽ tạo những môi trường tích cực để các em học sinh mạnh dạn bày tỏ, thể hiện và “thử lửa” ước mơ nghề nghiệp”.
Thực hiện ước mơ là một sân chơi hướng nghiệp dành cho học sinh THPT. Năm 2012, lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức dành cho học sinh TPHCM. Mùa thứ 2, cuộc thi lan rộng đến 3 tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Long An). Mùa thứ 3, cuộc thi đến với 7 tỉnh miền Đông Nam Bộ và bắt đầu triển khai mô hình hướng nghiệp cho học sinh qua các phần mềm trực tuyến trắc nghiệm khám phá bản thân, trắc nghiệm sở thích nghề nghiệp. Mùa thứ 4, thứ 5, học sinh 30 tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Cà Mau đã tiếp cận cuộc thi, các chuyên đề hướng nghiệp cho giáo viên phụ trách được thí điểm và triển khai hiệu quả. Đến nay, mùa thứ 6, cuộc thi đã đến với học sinh THPT trên cả nước, các hoạt động hỗ trợ, bổ trợ cho học sinh, giáo viên và phụ huynh được nâng chất, tạo hiệu ứng xã hội tốt đẹp.
Qua 6 năm tổ chức, cuộc thi đã tiếp cận và thu hút 745.000 thí sinh quan tâm, tham gia, 70.000 ước mơ được chia sẻ.
Song song với các vòng thI, qua từng năm đổi mới, rất nhiều mô hình hiệu quả nhằm hỗ trợ, bổ trợ kiến thức, thông tin hướng nghiệp cho học sinh, cho giáo viên làm công tác hướng nghiệp tại trường và phụ huynh học sinh. Cụ thể: 70 chuyên đề hướng nghiệp được tổ chức với 150.000 học sinh tham gia; 28 talkshow hướng nghiệp phát sóng hàng tuần trên kênh HTV3; 5 chuyên đề “Phương pháp hướng nghiệp cho giáo viên phụ trách tại trường THPT” với 2.000 giáo viên tham gia; 2 chuyên đề “Làm bạn cùng con” với gần 500 phụ huynh tham gia. Cuộc thi trao giải thưởng cho 40 học sinh theo cơ cấu giải tại vòng chung kết; đã có 19 học sinh du học khóa học tiếng Anh, 4 học sinh du học hệ cử nhân tại trường ĐH Western Sydney (Úc).