Văn bản từ Thaigroup nêu: Dự kiến dự án có tổng mức đầu tư gần 30.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện giai đoạn 2022 - 2026. Cảng vũ trụ hoặc sân bay vũ trụ là địa điểm để phóng (hoặc nhận) tàu vũ trụ, tương tự như một cảng biển cho tàu hoặc một sân bay cho máy bay. Hiện trên thế giới chỉ có cường quốc vũ trụ như Mỹ, Nga, Nhật, Trung Quốc… đã xây dựng cảng vũ trụ thương mại.
Tại các nước Đông Nam Á, dù nhu cầu đang cần thiết nhưng chưa triển khai được. Việc phát triển cảng vũ trụ phục vụ cho mục đích du lịch là bước ngoặt đột phá, mang lại lợi ích to lớn cho ngành du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai. Đối với TP Phú Quốc, có vị trí nằm gần đường xích đạo, nằm ở bờ phía Đông của vùng biển lớn, gần tuyến giao thương, vận tải và du lịch… là điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển xây dựng cảng vũ trụ du lịch.
Thaigroup mong muốn góp phần xây dựng, phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch mang tầm quốc tế và đưa Việt Nam sánh ngang các cường quốc vũ trụ trên thế giới. Vì vậy, đề nghị địa phương sớm cho phép tập đoàn được nghiên cứu, khảo sát vị trí và đề xuất đầu tư dự án cảng vũ trụ du lịch tại TP Phú Quốc.
Trao đổi với phóng viên về đề xuất của Thaigroup, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, việc đề xuất ý tưởng hay dự định đầu tư dự án vào tỉnh Kiên Giang hoặc đảo Phú Quốc là quyền của doanh nghiệp. Thông thường sau khi doanh nghiệp có văn bản đề xuất, tỉnh sẽ giao cho các sở, ngành có liên quan xem xét, thẩm định. Tuy nhiên, với ý tưởng đầu tư cảng “vũ trụ du lịch” này, rõ ràng là quá lạ lẫm và rất khó khả thi. Lý do, là cho tới thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hoàn toàn chưa có quy hoạch nào liên quan tới lĩnh vực vũ trụ, “vũ trụ du lịch” lại càng không có.
“Theo ý tưởng của nhà đầu tư thì loại dự án này thuộc thẩm quyền của Trung ương. Nếu xét thấy hợp lý thì tỉnh sẽ báo cáo Trung ương, nhưng tới giờ này có thể nói là rất khó khả thi”, ông Thành cho biết.