Tiêu chí ở đây không phải là những quy định ràng buộc, mà là những “gợi mở” cần thiết để tất cả các bên tham gia có thể thảo luận sâu hơn về kế hoạch của từng bên, từ đó xây dựng được các dự án động lực tăng trưởng cũng như kế hoạch thực hiện được những mục tiêu này.
Phát triển kinh tế “xanh - bền vững”
TPHCM có nhiều hướng phát triển, nhưng bất kỳ sự phát triển trong lĩnh vực nào như xây dựng dân dụng, kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, văn phòng, thương mại, bất động sản hay tài chính, tri thức sáng tạo… đều phải lấy cơ sở và nền tảng của kinh tế “Xanh” làm chủ đạo.
Đây là một định hướng cần bổ sung và làm rõ ngay trong quy hoạch chung, tạo ra tiền đề, điều kiện cho các bên tham gia thực hiện theo hướng bền vững hơn với môi trường sống của TP.
Việt Nam nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, cho nên TPHCM với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước thì cũng nên dẫn đầu về xu thế kinh tế Xanh. Tất cả các ngành nghề, định hướng phát triển đều lấy nền tảng của các tiêu chí tiêu dùng ít, thông minh, quản trị hiệu quả nguồn tài nguyên, hạn chế phát thải và sử dụng các nguồn nguyên vật liệu tự nhiên để giảm sự tàn phá.
Nên xem đây là một trong những “thế mạnh” của đồ án quy hoạch chung của TPHCM bởi vì đây là vùng động lực, nơi tập trung các xu hướng và xu thế tiêu dùng cả nước, cho nên bất kỳ một chiến lược nào cũng có tác động rất lớn đến vùng còn lại, nhất là các vùng ĐBSCL. Bên cạnh việc xây dựng các tiêu chí này trong đồ án quy hoạch chung, cũng cần lấy đó làm nền tảng để tạo ra các chính sách, cơ chế và cách thức quản lý có ưu đãi, hỗ trợ và tạo điều kiện cho nguồn lực doanh nghiệp tư nhân được phát huy, được hưởng lợi nhiều hơn so với cách thức phát triển thông thường như trước đây.
Xây dựng đô thị trung bình - giãn dân và phát triển thị trường mới
Đô thị trung bình là một đô thị có dân số vừa phải từ 1,5 -3 triệu dân kèm theo các điều kiện cơ sở hạ tầng và xã hội tương ứng. Đô thị trung bình đảm bảo vấn đề “giãn cách” hiệu quả hơn trong dịch bệnh và đảm bảo quá trình tiêu dùng, vận hành và quản lý bằng công nghệ thông minh hơn so với cách cũ.
Theo tôi, trong đồ án quy hoạch chung của TPHCM nên xác định tư tưởng là phát triển đô thị trung bình như vậy để phục vụ cho mục tiêu giãn dân của TP ở khu vực trung tâm và các khu nhà ở thấp tầng không đảm bảo điều kiện, đồng thời phát triển một thị trường mới trên nền cơ sở hạ tầng hiện hữu bằng công tác tái thiết đô thị.
Hai mục tiêu này: giãn dân và phát triển thị trường mới thông qua cơ sở hạ tầng hiện hữu là không thể tách rời nhau được. Chương trình xã hội hóa nhà ở cho công nhân, mở rộng ra nữa là giãn dân và dành cho các công dân trẻ của TP là điều hết sức cần thiết, bởi đây chính là lực lượng lao động nòng cốt và chủ lực cho TP trong tương lai.
Tư duy hiện nay chỉ mới dừng ở dự án nhà ở xã hội, cá nhân tôi cho rằng quan điểm này chưa thực sự đúng tầm, mà tầm mức thật sự của vấn đề này nên là đô thị xã hội- đô thị có mức sống trung bình- đô thị dành cho số đông.
Chúng ta cần những đô thị như vậy để tạo điều kiện cho dân số trẻ, những thành phần tương lai có được một lối sống và giá trị sống phù hợp với họ, chứ không chỉ là các dự án nhà ở xã hội nhỏ lẻ, rải rác như hiện nay.
Khi xác định được mục tiêu giãn dân để nâng cao mức sống và thu nhập thì chất lượng “đầu ra dân cư” ở các đô thị trung bình như vậy sẽ rất khả thi và có sự tiếp nối với khu hiện hữu. Xem đô thị trung bình với hai mục tiêu trên lồng ghép thêm chương trình nhà ở xã hội là một chiến lược quan trọng trong việc tạo ra động lực phát triển mới cho TPHCM, lực lượng tri thức trẻ và lao động trẻ vốn là nguồn vốn quý giá, cần một giải pháp đô thị như vậy thì mới có thể giúp họ, hàng triệu con người ổn định và phát triển sự nghiệp, đóng góp nhiều hơn cho TP nói riêng và Việt Nam nói chung sau này.
Nếp sống xanh, gần gũi với môi trường tự nhiên
Sự phát triển của khoa học, công nghệ chỉ ra rằng chúng ta có thể đạt được nhiều giá trị tiện nghi mới trong đời sống. Nhưng chỉ có một thứ duy nhất là chúng ta không thể tạo ra được: Đó là môi trường tự nhiên!
Xu hướng xanh hóa thường được xem là một điều tất yếu cho các TP thịnh vượng, phát triển và có đời sống khỏe mạnh của cư dân. Trong tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, sự nóng lên từng năm của nhiệt độ trái đất có thể thấy rõ. Những môi trường có nhiều phát thải như TP, những tòa nhà cao tầng với kính và bê tông, những tuyến đường xa lộ nóng bức luôn là nơi tạo ra sự bất ổn về tiện nghi nhiệt độ. Đến nỗi mỗi nhà đều xem điều hòa nhiệt độ là thiết bị không thể thiếu. Tiếc thay, xu hướng này ngày càng gia tăng theo từng năm. Và ở đây, chúng ta không thể giải quyết những việc này ở các đồ án quy hoạch chi tiết, mà chỉ có thể giải quyết “chiến lược xanh hóa - làm mát TP” ở tầm vóc dự án chiến lược của đồ án quy hoạch chung. Bởi vì chiến lược này sẽ tạo ra một nền tảng môi trường có tính tổng thể, có tính ổn định và bền vững lên đến hàng trăm năm cho sự tồn tại và phát triển của các công trình, dân cư và tiện ích khác.
Chiến lược xanh hóa nếu hiểu ở nghĩa rộng hơn, nó còn liên quan nhiều đến các vùng miền khác và ở cấp độ liên vùng, có gắn liền với lợi ích liên vùng, nhất là các vùng có hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp và nghỉ dưỡng.
Tôi cho rằng, đây nên là một nội dung cốt lõi trong đồ án quy hoạch chung của TPHCM với một tầm nhìn xuyên suốt và mở ra các tiểu dự án có tính chất hợp tác giữa khối nhà nước và khối tư nhân, có sự tham gia sâu hơn của người dân và cộng đồng địa phương ở cấp độ chi tiết. Và với quan điểm đó, nên coi chiến lược xanh hóa là một chiến lược cạnh tranh trong tương lai của TPHCM với các thành phố khác trên thế giới.
Trên đây là ba tiêu chí tóm tắt nhưng tổng quát những gì tôi muốn chia sẻ trong đồ án quy hoạch chung của TPHCM.