Theo các tiêu chuẩn về xây dựng hiện tại, không chỉ các cao ốc mà ngay cả nhà phố đều phải có lối thoát hiểm rộng từ 1,5m-2m ở phía sau nhà. Thế nhưng, với các khu dân cư hiện hữu, nhất là những khu dân cư đã hình thành từ lâu, hầu hết diện tích dành cho lối thoát hiểm đều bị chiếm dụng. Thậm chí, nhiều khu dân cư hình thành tự phát (từ rất lâu) hoàn toàn không có lối thoát hiểm. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất gây ra nhiều cái chết thương tâm trong các vụ cháy trong khu dân cư.
Còn có một thực tế khác nữa, đó là nhiều con hẻm ở TPHCM rất nhỏ, chỉ một xe gắn máy đi vừa. Do vậy, khi có cháy, lực lượng PCCC rất khó tiếp cận được hiện trường.
Cách nay nhiều năm, TPHCM đã phát động phong trào người dân hiến đất mở hẻm để vừa cải thiện môi trường sống vừa giúp cho việc đi lại thuận tiện hơn cũng như có thể ứng cứu kịp thời khi xảy ra tai nạn, cháy nổ. Tuy nhiên, phong trào đó được tổ chức rầm rộ mấy năm nhưng hiện ít được nhắc tới. TPHCM vẫn còn nhiều con hẻm rất nhỏ. Ngôi nhà bị cháy có 8 người chết nêu trên cũng nằm trong một con hẻm chỉ rộng khoảng 2m.
Các cơ quan chức năng cũng nhìn nhận, công tác diễn tập PCCC tại nhiều khu dân cư còn bỏ ngỏ. Nhiều người dân còn chưa có ý thức tự trang bị các thiết bị cần thiết để thoát hiểm khi cần.
Như ngay tại TPHCM, đã có bao nhiêu nhà tự ý thức phải làm ít nhất 2 lối thoát hiểm (1 cửa chính và 1 cửa phụ, lối sau hoặc chí ít là lỗ thông hơi, ban công…) hoặc mua một bình chữa cháy để trong nhà? Nên chăng, các hội đoàn ở địa phương phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC vận động người dân đầu tư các thiết bị chữa cháy và tập huấn các kỹ năng thoát hiểm cơ bản.
Các cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại việc để các cơ sở sản xuất tiềm ẩn rủi ro cháy nổ cao hoạt động trong khu dân cư. Cách đây nhiều năm, TPHCM đã quyết định di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành nhằm bảo vệ môi trường sống trong lành cho người dân. Với các cơ sở sản xuất tiềm ẩn rủi ro cháy nổ cao, nên buộc di dời… vì sự an toàn của nhân dân.