Qua thông tin trên mạng xã hội, cô gái trên người gốc Kiên Giang và khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đi về Bình Dương. Hiện tại, theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Bình Dương, T. đã được cách ly tập trung ở Trường Quân sự Bình Dương để phòng dịch Covid-19.
Tuy nhiên, câu chuyện trên không phải là ngoại lệ, theo nhiều người dùng mạng xã hội, có hơn 3 trường hợp và đang chờ cơ quan chức năng vào cuộc. Đó là những người trẻ trở về từ Hàn Quốc hay thậm chí là ngay Daegu, nhưng vẫn tìm cách để thoát khỏi chuyện cách ly. Nhiều bạn trẻ ngang nhiên livestream (phát trực tiếp lên mạng xã hội) khoe chiến tích “luồn lách” và nhận làm hộ chiếu giấy tờ liên quan để kiều bào từ Hàn Quốc về Việt Nam dễ dàng không bị cách ly 14 ngày.
Có thể vì nhiều lý do, như ảnh hưởng đến công việc, gia đình, để các bạn trẻ tìm cách trốn tránh không bị cách ly. Tuy nhiên, 14 ngày cách ly đó là vô cùng cần thiết, bởi nếu không may mang mầm bệnh đang ủ trong người sẽ trở thành mối lây nhiễm lớn cho cộng đồng. Và người chịu ảnh hưởng nhiều nhất không ai khác chính là gia đình, người thân và bạn bè của chính những bạn trẻ trở về từ Hàn Quốc.
Ở góc độ khác, thái độ thách thức cơ quan chức năng của những bạn trẻ luôn cố tỏ ra mình “không sợ trời, không sợ đất” hoặc tự hào về chiêu trò qua mặt bộ phận kiểm soát dịch bệnh là một điều đáng lo ngại. Phải chăng, một bộ phận người trẻ đã hết biết sợ dù pháp luật về an ninh mạng thời gian qua đã siết chặt với những người lợi dụng không gian mạng tung tin giả, tin gây rối loạn an ninh trật tự? Đây rõ ràng là những hành động thách thức dư luận xã hội và cơ quan pháp luật, cần phải được xử lý nghiêm.