Nỗi khốn khổ của người ở trọ
Chị Mỹ Hướng (ở trọ tại xóm trọ đường Tô Ký, quận 12) kể: “Tôi thật khó chịu khi mỗi sớm giật mình thức giấc vì tiếng xe máy chạy ầm ầm trước phòng. Khuya họ đi về cũng chẳng thèm tắt máy dẫn xe vô mà cứ phóng xe chạy ào ào, dù lối đi chật hẹp. Do chủ trọ nơi đây dễ tính, không nhắc nhở, nên nhiều người ở trọ không giữ ý. Mình góp ý cũng chẳng ai nghe”. Chị Nguyệt (cũng ở xóm trọ này) phàn nàn: “Việc tắt máy xe, dẫn bộ vào phòng trọ là hành động nhỏ thôi, nhưng thể hiện rõ nhân cách, ý thức của một con người. Người có văn hóa, có ý thức sống cộng đồng thì không đợi ai nhắc cũng không tùy tiện phóng xe vào khu phòng trọ gây ồn ào, xả khói và làm phiền người khác”.
Tại xóm trọ khu phố 3a ở phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TPHCM) cũng có những trường hợp thiếu ý thức sống cộng đồng như vậy. Dù phòng trọ có nội quy nhưng nhiều người không chấp hành. Nhiều người vẫn phóng xe vào phòng trọ; có người hay dựng xe giữa lối đi; lại có những người mới sáng sớm đã cãi nhau, la hét khiến mọi người xung quanh rất khó chịu...
Bạn Vũ Thị Thanh Mai chia sẻ: “Mình là sinh viên, lên TPHCM trọ học. Ba mẹ rất muốn tìm cho mình một chỗ trọ có thể an cư để học tập, nghỉ ngơi, có những người hàng xóm tử tế, quan tâm với nhau. Nhưng đời không như là mơ, mình ở đây, nhiều khi không tập trung học được, bị gây ồn, tức đến muốn điên lên. Bà chủ nhà trọ nhiều lần nhắc nhở mọi người về việc nâng cao ý thức sống cộng đồng, không để ảnh hưởng đến người xung quanh, cùng giữ mối quan hệ hàng xóm tốt. Nhưng vẫn có những người sống tùy tiện, khiến cuộc sống ở xóm trọ khá mệt mỏi”.
Xây dựng nền nếp văn hóa xóm trọ
Thực tế cho thấy những người ở xóm trọ hành xử như thế nào phần lớn phụ thuộc vào việc chủ nhà trọ có quy định nền nếp văn hóa xóm trọ và thực hiện nghiêm chỉnh hay không. Khi chủ nhà trọ dễ dãi, mặc người ở trọ sống ra sao cũng được thì ý thức mỗi người ở trọ sẽ giảm đi.
Bà Nguyễn Thị Tư (chủ một nhà trọ ở quận 12) cho biết: “Sắp tới, tôi sẽ lập một bản quy định cụ thể cho khách ở phòng trọ. Trước đây, vì muốn để các bạn ở trọ sống thoải mái, nên tôi không quy định gì. Nhưng ý thức tự giác của một số bạn kém quá nên bắt buộc tôi phải chấn chỉnh lại, có nội quy để cuộc sống ở khu nhà trọ này ổn định và văn minh hơn”.
Để xây dựng một khu nhà trọ văn minh, trước hết mỗi người cần có ý thức hành xử văn hóa ngay từ những chuyện nhỏ, như hạn chế cười đùa lớn tiếng, không mở nhạc âm lượng lớn vào đêm khuya, chịu khó tắt máy dẫn xe vào nhà trọ, không xả rác bừa bãi, hạn chế tụ tập bạn bè nhậu nhẹt ca hát gây ồn ào… Các chủ nhà trọ nên gắn camera quan sát trên lối đi chung, vừa đảm bảo an ninh, vừa giám sát để phát hiện, ngăn chặn những hành vi gây mất trật tự, thiếu văn hóa.
Bà Nguyễn Thị Tư tâm sự: “Có người ở trọ sống tùy tiện, làm phiền mọi người chung quanh. Tôi nhiều lần nhắc nhở, thậm chí hăm đuổi đi, nhưng họ vẫn chứng nào tật nấy. Tôi cũng khó xử, vì họ ở trọ đã mười mấy năm rồi, nên mình cũng không muốn phải căng thẳng với nhau”.
Thực tế khi đã chấp nhận sống ở xóm trọ thì mỗi người nên học cách sống cộng đồng, có ý thức tôn trọng, hòa đồng với mọi người xung quanh. Các sinh viên khi ở xóm trọ càng nên có ý thức trách nhiệm cao hơn, biết lễ nghĩa đúng sai, hành xử có văn hóa.