Theo đó, các trang được xuất hiện trong Google News không được thông tin sai, thông báo sai hay che giấu thông tin về đơn vị sở hữu của trang đó cũng như mục đích ban đầu của họ, cũng không được tham gia vào các hoạt động phối hợp nhằm gây lầm lẫn cho người dùng. Mạng xã hội Facebook cũng dự kiến sẽ áp dụng tính năng nhận diện khuôn mặt (phiên bản mới) cho phép tài khoản của một cá nhân có thể biết được diện mạo của mình xuất hiện tại những trang Facbeook riêng, nhóm hay fanpage khác. Như vậy, những kẻ mạo danh, lén đăng hình người khác lên mạng (không xin phép chủ nhân) sẽ bị phát giác ngay lập tức.
Việc hai ông lớn công nghệ có động thái kiểm soát chặt chẽ với tin giả và việc sử dụng hình ảnh người khác có mục đích xấu, được cộng đồng mạng hoan nghênh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là môi trường thông tin trên mạng sẽ sạch 100%. Bởi kẻ xấu có rất nhiều chiêu trò để lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin vào xem trang chủ của họ. Thậm chí nhiều tài khoản mạng xã hội đã vô tình PR không công, giới thiệu những thông tin bẩn phổ biến rộng hơn thông qua hình thức tag, share, phát tán những tin giả, tin xuyên tạc mang tính phản động, chống phá Đảng và Nhà nước.
Tính đến thời điểm này, phía Google và Facebook đã có những hợp tác tích cực với Việt Nam. Cụ thể, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được khoảng 4.500 video clip độc hại trên trang YouTube trong tổng số 5.000 clip theo yêu cầu của Bộ Thông tin - Truyền thông (chiếm tỷ lệ 90%, thuộc nhóm các nước được Google đáp ứng yêu cầu cao nhất trên toàn thế giới). Facebook cũng đã gỡ bỏ 107 tài khoản giả mạo; 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.
Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội về vấn đề kiểm soát thông tin xấu trên mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng: “Phải nhìn nhận rõ mạng xã hội là một phương tiện, một công cụ cho người dùng, như một con đường chúng ta đi trên con đường đó. Còn trách nhiệm là của người sử dụng, bởi vì trên con đường đó có rất nhiều hạng người, có người tốt, có người xấu, thậm chí có kẻ cướp, nên đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu, mà phải coi ý thức của người sử dụng mạng xã hội như thế nào là một vấn đề”.
Vì vậy, để môi trường mạng trong sạch như Bộ trưởng nói, đòi hỏi người sử dụng phải tỉnh táo, cân nhắc trước rừng thông tin thật - giả lẫn lộn. Chỉ nên vào những trang đàng hoàng, nếu thấy “có vấn đề” nên thoát ra ngay lập tức. Khi cần kiểm chứng thông tin, nên xem những tờ báo mạng, trang tin điện tử uy tín, chính thống của Việt Nam, hoặc những trang của các hãng thông tấn uy tín thế giới. Mỗi cá nhân cần có ý thức khi tham gia mạng xã hội, tẩy chay những thông tin xấu, độc hại trên mạng.