Khoác “áo mới” cho y tế xã đảo
Sau hơn 1 giờ chạy tàu cao tốc vượt 32 hải lý, chúng tôi tới Cô Tô - huyện đảo xa nhất của tỉnh Quảng Ninh. Một trong những cơ sở gây ấn tượng là Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Cô Tô, với quy mô không kém gì những cơ sở y tế trong đất liền. Ông Lê Xuân Minh (65 tuổi, ở khu 2, thị trấn Cô Tô) chia sẻ: “Ngày trước, mỗi khi bệnh, người dân đều phải vào tận đất liền điều trị. Sau khi TTYT được đầu tư xây dựng và tăng cường thêm y, bác sĩ (BS) thì chúng tôi rất yên tâm khi khám chữa bệnh ngay trên đảo, không phải vào đất liền tốn kém”.

BS Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc TTYT huyện Cô Tô, thông tin: “Từ cuối năm 2019 tới nay, đơn vị được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của y, BS cũng như người dân huyện đảo”. Giới thiệu máy siêu âm 4D mới tại trung tâm, BS Thanh Giang cho biết thêm, với kinh nghiệm của các BS được cử đi đào tạo nâng cao chuyên môn ở bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, ai cũng cảm thấy tự tin hơn rất nhiều trong quá trình chẩn đoán hình ảnh cho người bệnh.
Tiếp tục lênh đênh trên biển, sau hơn nửa ngày, chúng tôi đến với huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng). Ông Đinh Duy Thanh, Phụ trách TTYT quân dân y Bạch Long Vĩ, giới thiệu: “Huyện đảo cách TP Hải Phòng khoảng 140km và mất 6-10 giờ từ thành phố ra đảo với điều kiện thời tiết thuận lợi, mỗi tháng chỉ có 2-3 chuyến tàu ra đảo. Dân số trên đảo, cả ngư dân thường trú và tạm trú, luôn có 2.000-3.000 người. Trên vịnh Bắc bộ còn có hàng ngàn tàu cá với 3.000-5.000 ngư dân của các tỉnh ven biển cả nước tham gia khai thác thủy hải sản trên ngư trường quanh đảo. Chưa kể số lượng ngư dân tạm trú đột ngột tăng cao khi có bão, gió mùa nên nhu cầu chăm sóc y tế là rất lớn”.
Xa đất liền, hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng bằng sự nỗ lực, chủ động và sáng tạo, TTYT quân dân y Bạch Long Vĩ đã đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo và ngư dân, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. TTYT có 21 người, trong đó có 5 BS, nhưng đã nỗ lực đảm bảo tốt công tác cấp cứu thường trực 24/24 giờ.
Hàng năm, y, BS của trung tâm khám và điều trị 5.000-10.000 lượt người bệnh, thực hiện được nhiều ca phẫu thuật nặng như: mang thai ngoài tử cung vỡ, vết thương thấu tạng, viêm ruột thừa cấp, thoát vị bẹn nghẹt, vết thương đứt rời chi, đa vết thương do tai nạn trên biển, ngộ độc hải sản. Các BS nơi đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ cũng thực hiện thuần thục nhiều kỹ thuật phức tạp như: gây tê tủy sống trong mổ cấp cứu thay gây mê tĩnh mạch cổ điển trước đây, cơ bản đảm bảo mổ trung phẫu an toàn; triển khai hệ thống máy nội soi tai - mũi - họng trong thăm khám và điều trị bệnh; triển khai được các máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, test nhanh HIV, viêm gan B, C, định nhóm máu A, B, O trong chẩn đoán và điều trị.
Thích ứng mọi hoàn cảnh
Với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe gần 7.000 người dân của huyện đảo và nhiều ngư dân của các địa phương khác tham gia khai thác thủy sản trong khu vực, TTYT huyện Cô Tô rất quan tâm phát triển những kỹ thuật khó và chuyên sâu. Cùng với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trên, trung tâm chú trọng đến việc đào tạo cán bộ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Nhiều y, BS của trung tâm được cử đến các bệnh viện tuyến trên rèn luyện, nâng cao tay nghề.
“Ngoài việc cử y, BS đi học trực tiếp, trung tâm còn đẩy mạnh áp dụng hội chẩn trực tuyến qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine) với các chuyên gia tuyến trên trong những ca khó, mang lại hiệu quả cao trong điều trị, giúp kịp thời cứu sống người bệnh, nhất là những ngày biển động, không thể cấp cứu chuyển người bệnh lên tuyến trên. Các thầy thuốc nơi đây đã tạo được niềm tin của nhân dân, không để người bệnh phải di chuyển xa để khám chữa bệnh”, BS Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc TTYT huyện Cô Tô, tự hào về đồng nghiệp của mình.
Trong khi đó, theo đại diện TTYT quân dân y Bạch Long Vĩ, để công tác cấp cứu, phẫu thuật điều trị cho người bệnh được kịp thời trong hoàn cảnh cách xa đất liền, trung tâm đã thành lập được ngân hàng máu sống tại huyện đảo với 45 tình nguyện viên, trong đó có 20 tình nguyện viên nhóm máu O luôn sẵn sàng hiến máu cứu người. Nhờ đó, thời gian qua, các BS của trung tâm đã kịp thời cứu sống nhiều người bệnh trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” do mất máu cấp rất nguy kịch.
Ngoài ra, với việc được trang bị hệ thống Telmedicine và Telehealth, trung tâm đã kết nối dễ dàng với các bệnh viện tuyến trên, giúp công tác khám chữa bệnh trên đảo đạt hiệu quả tốt hơn. Ngoài ra, cứ 3 tháng, một số bệnh viện lớn của TP Hải Phòng (Việt Tiệp, Phụ sản Hải Phòng) lại cử BS ra đảo để hỗ trợ, tăng cường trong việc chăm sóc, khám và điều trị sức khỏe cho quân dân, ngư dân trên đảo. Ông Đinh Duy Thanh, Phụ trách TTYT quân dân y Bạch Long Vĩ, chia sẻ, không chỉ nỗ lực đảm bảo cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân huyện đảo mà các y, BS trên đảo Bạch Long Vĩ còn phối hợp chặt chẽ với nhiều địa phương và các lực lượng chức năng trong hướng dẫn xử trí, cấp cứu ngư dân hoạt động trên biển.
Từ nhận thức về vai trò của hệ thống biển, đảo quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an ninh quốc phòng, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng về Chiến lược biển Việt Nam, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2023 đã tạo hành lang pháp lý cho đầu tư, phát triển bền vững y tế biển, đảo, góp phần xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vùng biển, đảo
Bộ trưởng Bộ Y tế ĐÀO HỒNG LAN