LTS: Nhiều năm qua, việc đầu tư củng cố, phát triển hệ thống y tế biển, đảo luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với mọi hoàn cảnh, các y, bác sĩ quân y luôn là “điểm tựa” vững chắc giữa trùng khơi trong công tác chăm lo sức khỏe cho người dân.
Giữa biển khơi sóng gió, đội ngũ y, bác sĩ (BS) quân y trên đảo Trường Sa không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ mà còn kịp thời cấp cứu, điều trị cho người dân trên đảo và ngư dân khai thác hải sản trên các ngư trường.

1. Tháng 2-1992, tổ quân y đầu tiên chỉ vỏn vẹn 3 người (1 BS, 1 y sĩ và 1 y tá) của Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) ra huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) nhận nhiệm vụ. Hành trang trên vai không có gì ngoài tình yêu Tổ quốc và sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho chiến sĩ, nhân dân, ngư dân đang lao động sản xuất trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong ký ức của BS Nguyễn Kỳ Dưỡng, Tổ trưởng Tổ quân y đầu tiên, ngày ấy, Bệnh xá đảo Trường Sa chỉ là một căn nhà nhỏ lợp tôn, bao bọc xung quanh bằng ván gỗ, trang thiết bị y tế thiếu thốn. Nhưng, vượt qua tất cả, các chiến sĩ quân y đã cải thiện môi trường sống, giải quyết được nhiều bệnh truyền nhiễm của lính đảo… Để rồi bệnh xá nhỏ ngày nào nay đã thay da đổi thịt thành Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa khang trang, hiện đại.
Thiếu tướng, PGS-TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, chia sẻ, trung tâm đi vào hoạt động từ ngày 25-5-2017 với tổng kinh phí gần 41 tỷ đồng, là trung tâm y tế hiện đại có đủ năng lực để giải quyết những cấp cứu căn bản nội khoa và ngoại khoa. Không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho quân, dân đảo Trường Sa, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa còn phục vụ cho ngư dân đánh bắt cá quanh vùng, cho thành viên của tàu bè nước ngoài không may gặp nạn.
Là người kế nhiệm công tác chăm sóc sức khỏe ở Trường Sa từ cuối năm 2023, Trung tá, TS-BS Nông Hữu Thọ, Bệnh xá trưởng Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, cho biết, ngày nhỏ anh đã từng ao ước một lần được đặt chân đến Trường Sa; và khi lớn lên, mong ước đó cứ thôi thúc anh. Làm việc tại đảo, chứng kiến những khó khăn, vất vả, anh luôn động viên anh em làm việc bằng cả tình thương, đau với nỗi đau của người bệnh. “Ở đây, chúng tôi phải đảm trách nhiều chuyên khoa khác nhau, trong điều kiện tương đối hạn chế. Một mặt, về chuyên môn phải có tinh thần đồng đội; mặt khác, có tình thương với người bệnh, để tìm cách sáng tạo vượt qua khó khăn thử thách”, BS Hữu Thọ tâm sự.
Theo thống kê của Bệnh viện Quân y 175, đến nay, đã có hơn 200 lượt cán bộ quân y nối tiếp nhau ra các đảo; và như một thông lệ, cứ vào mùa xuân hàng năm lại có một tổ quân y của bệnh viện ra phục vụ tại quần đảo Trường Sa. Trong 5 năm trở lại đây (2019-2024), các bệnh xá khu vực quần đảo Trường Sa đã cấp cứu gần 1.000 trường hợp, khám hơn 1.700 trường hợp, phẫu thuật các loại gần 1.600 trường hợp… Bên cạnh đó, các đơn vị đã phối hợp vận chuyển bằng máy bay trực thăng về đất liền điều trị hơn 40 trường hợp.
2. Chia tay gia đình, nhận lệnh lên đường công tác tại Bệnh xá đảo Sinh Tồn Đông trong một ngày cuối tháng 7-2023, Thiếu tá Nguyễn Văn Nam (quê Nghệ An) bộc bạch: “Ngày chia tay, vợ con ngấn lệ động viên, chúc chồng, cha hoàn thành nhiệm vụ trở về nhà. Đây là lần thứ hai tôi có chuyến công tác xa nhà (lần đầu dài hơn 3 tháng ở TPHCM, cùng tham gia phòng chống dịch Covid-19). Cũng xa nhà, xa vợ con nhưng chuyến đi lần này xa hơn, thời gian dài hơn, vất vả hơn nhưng với tôi đó là niềm tự hào, vinh dự”.
Đến đảo, Thiếu tá Nguyễn Văn Nam cùng đồng đội triển khai ngay công tác khám chữa bệnh cho chiến sĩ và người dân. “Bệnh xá đảo Sinh Tồn Đông chỉ có 1 BS và 3 điều dưỡng, cơ sở vật chất không được đầy đủ như đất liền nhưng cũng đáp ứng nhu cầu điều trị cơ bản cho quân, dân trên đảo và ngư dân. Trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024, bệnh xá đã khám chữa bệnh cho 64 lượt ngư dân trên tàu cá với các bệnh phổ biến về tiêu hóa và da liễu”, Thiếu tá Nguyễn Văn Nam chia sẻ.
Ngay khi hoàn thiện chứng chỉ hành nghề 18 tháng tại Bệnh viện Quân y 103, BS Lê Dương Võ Hoàng xung phong ra nhận nhiệm vụ ở đảo Đá Tây A, khi bệnh xá của đảo này mới được đưa vào hoạt động, chưa có nhiều trang thiết bị y tế, máy móc. Bệnh xá chỉ có 6 nhân sự (BS Hoàng, 1 y sĩ, 3 điều dưỡng và 1 dược sĩ) nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều ca bệnh được cấp cứu trong gang tấc, không ít kỹ thuật mới được sáng tạo để triển khai cứu sống người bệnh. Đối với những trường hợp vượt quá khả năng điều trị, các anh gọi điện cho các trung tâm y tế lớn ở đảo Nam Yết (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phụ trách chuyên môn), Song Tử Tây (Bệnh viện Quân y 103 phụ trách chuyên môn), Trường Sa Lớn (Bệnh viện Quân y 175 phụ trách chuyên môn) để xin hướng xử lý, tư vấn hoặc chuyển người bệnh đến cơ sở y tế phù hợp để được điều trị tốt nhất.

3. Nếu như ở đất liền, việc cấp cứu người gặp nạn, mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện với đầy đủ trang thiết bị y tế là chuyện bình thường, khi các BS có thể phát huy tối đa chuyên môn, năng lực, thì ở Trường Sa, việc giành giật mạng sống người bệnh với tử thần được xem là kỳ tích. Hơn 30 năm qua, mặc dù trong điều kiện thiếu thốn cả nhân lực lẫn trang thiết bị, nhưng các BS quân y trên quần đảo Trường Sa đã cấp cứu nhiều ca bệnh nặng, phức tạp, như: chấn thương cột sống, chấn thương sọ não, đột quỵ não, hội chứng giảm áp, bệnh lý tim mạch, viêm ruột thừa cấp...
Mới đây, Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã cấp cứu thành công đối với anh Võ Xuân Vĩ (42 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định), ngư dân tàu cá BĐ 98524-TS bị tai nạn lao động khi đang khai thác hải sản. Hay tối 29-1 (tức mùng 1 Tết Ất Tỵ), lực lượng quân y đảo Sinh Tồn tiếp nhận và cấp cứu ngư dân Huỳnh Văn Đủ (51 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) bị thoát vị bẹn trái khi đang khai thác hải sản trên vùng biển cách đảo Sinh Tồn khoảng 5 hải lý...
Việc ứng dụng công nghệ vào y học cũng được các BS trên các đảo cập nhật kịp thời. Trong đó, việc đưa vào sử dụng hệ thống telemedicine (hệ thống hội chẩn trực tuyến từ xa) đã giúp các y, BS nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị người bệnh. Cùng với việc cấp cứu tại chỗ, những chuyến máy bay trực thăng, thủy phi cơ xuyên biển đưa các BS quân y ra đảo và đưa người bệnh nguy kịch về đất liền cũng đã góp phần cứu sống nhiều người. Nhiều chuyến bay được thực hiện trong điều kiện thời tiết phức tạp, đưa người bệnh về đất liền điều trị đã khẳng định tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm công tác quân dân y trên khu vực quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, góp phần tạo niềm tin vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển và các lực lượng chức năng đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
HQ561 - tàu bệnh viện hiện đại nhất Đông Nam Á
Trong chuyến hải trình thăm quân, dân quần đảo Trường Sa vào tháng 5-2024, Đoàn công tác số 22 do Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tổ chức được Tàu quân y HQ561 (phiên hiệu Khánh Hòa - 01) đưa ra tham quan đảo. Đây là tàu bệnh viện được đánh giá là hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Theo Chuẩn Đô đốc Nguyễn Viết Khánh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, tàu HQ561 có tải trọng hơn 1.500 tấn, chở được hơn 200 người và trang bị máy móc, thiết bị hiện đại tương đương một bệnh viện ở đất liền, với 9 phòng chức năng, gồm phòng giảm áp (điều trị các tai biến do lặn), phòng xét nghiệm, phòng hồi sức cấp cứu, phòng siêu âm - hội chẩn, phòng mổ có kết nối vệ tinh VINASAT, phòng chuyên khoa răng - hàm - mặt… và 20 giường bệnh. Phòng siêu âm có trang bị hệ thống hội chẩn trực tuyến thông qua hệ thống truyền dữ liệu hình ảnh qua vệ tinh với Bệnh viện Quân y 175.