Qua nội dung xét hỏi và lời khai của các bị cáo trước tòa, cho thấy họ đều biết những hành vi của mình trong vụ mua bán này là sai nhưng họ vẫn làm. Nếu là những người cán bộ cấp thấp, thì họ có thể đổ lỗi cho nhận thức, kinh nghiệm yếu kém để chạy tội; nhưng đây là những cán bộ cấp cao, từng được đào tạo và rèn luyện nhiều năm, nên không thể nào đổ lỗi cho trình độ hay nhận thức yếu kém được.
Như vậy, có thể lý giải rằng họ biết sai mà vẫn làm vì họ nghĩ rằng với cương vị của họ thì dù có sai cũng sẽ được cho qua, hoặc chỉ bị trừng phạt theo kiểu “phạt cho tồn tại” như đã từng xảy ra với nhiều vụ việc sai phạm trước đó có liên quan đến cán bộ.
Chính cái suy nghĩ đó đã khiến họ sẵn sàng làm những việc sai phạm để trục lợi cho bản thân, bởi họ nghĩ cái mà họ nhận được sẽ lớn hơn mức phạt mà họ sẽ phải nhận lãnh nếu bị phanh phui. Nhưng rồi những sai phạm của họ đã không được xử lý nhẹ nhàng như suy nghĩ của họ. Cương vị đương kim bộ trưởng hay cựu bộ trưởng đã không còn là tấm khiên che chắn hữu hiệu cho họ nữa.
Do vậy, vụ đại án liên quan đến 2 cựu bộ trưởng này không chỉ là nhằm khắc phục những hậu quả về mặt kinh tế, thu hồi lại những khoản tiền ngân sách đã vào túi của các cán bộ sai phạm, mà còn mang một ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội nữa.
Vụ án này sẽ là lời nhắc nhở đanh thép rằng dù có nắm chức vụ nào thì pháp luật cũng không bỏ qua cho kẻ phạm pháp. Những chức vụ, những công việc mà họ đã làm chẳng qua chỉ có tác dụng giảm bớt những cái giá phải trả về mặt pháp luật, chứ không giúp họ thoát khỏi pháp luật.