Tháng 1-1961, Bộ Chính trị (khóa III) họp ra quyết định về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam. Trong đó, Bộ Chính trị đề ra kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ 2 (1961-1965) là đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang miền Nam đủ mạnh, từng bước đánh bại từng chiến lược, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 15-2-1961, tại chiến khu D, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang giải phóng tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc, tạo nên bước chuyển biến từ đấu tranh chính trị là chủ yếu sang giai đoạn đấu tranh vũ trang. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng (trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và Ban Quân sự Trung ương Cục), Quân giải phóng miền Nam đã lập nên nhiều chiến công trong các trận Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài, Vạn Tường, Plâyme; đánh bại 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, tạo tiền đề cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, sau đó ký Hiệp định Paris...
Hội thảo có gần 90 tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu… nhằm làm sáng tỏ việc thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là chủ trương đúng đắn và đặc sắc về xây dựng lực lượng vũ trang của Trung ương Đảng; sự lãnh đạo chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương; khẳng định vai trò của Quân giải phóng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước...