Thời gian gần đây, xu hướng khu phố có nhiều chi bộ đang tăng nhanh. Điều này gây khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là lãnh đạo MTTQ khu phố và các tổ chức đoàn thể như chi đoàn thanh niên, chi hội cựu chiến binh, chi hội người cao tuổi, chi hội phụ nữ… Trước thực trạng này, một số quận thành lập Đảng bộ bộ phận khu phố, song vì nhiều lý do, không ít nơi vẫn chưa thành lập Đảng bộ bộ phận khu phố. Tại sao?
Khu phố là một đặc thù của TPHCM. Theo quy định chung, dưới phường là tổ dân phố. Nhưng do hoàn cảnh khách quan, Trung ương chấp nhận cho TPHCM được bảo lưu hình thức khu phố.
Thực tế cho thấy, hình thức tổ chức khu phố đã thể hiện nhiều ưu điểm nổi trội của nó, mặc dù UBND TP và Bộ Nội vụ đến nay vẫn chưa có ý kiến nên để hay xóa khu phố. Sự tồn tại khu phố ở TPHCM và việc thành lập Đảng bộ bộ phận khu phố là một tất yếu. Việc thành lập Đảng bộ bộ phận khu phố là nhằm khắc phục cách chỉ đạo bị động, chắp vá hiện nay của Đảng ủy phường đối với khu phố.
Vừa qua, ở những khu phố có nhiều chi bộ, Đảng ủy phường thường áp dụng phương thức phân công một Đảng ủy viên theo dõi, chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa các chi bộ; có nơi Đảng ủy giao trách nhiệm cho mỗi chi bộ tổ dân phố phụ trách 1 - 2 đoàn thể quần chúng của khu phố… Áp dụng phương thức này kết quả rất hạn chế, vì sự chỉ đạo của Đảng ủy phường đối với khu phố đã bị cắt khúc, mang tính chắp vá, không tập trung thống nhất, chứng tỏ phương thức chỉ đạo đó không thể thay thế được vai trò của Đảng bộ bộ phận khu phố.
Để Đảng bộ bộ phận khu phố hoạt động hiệu quả, cần có sự hướng dẫn cụ thể của ban tổ chức và của cấp ủy Đảng cấp trên về nhiệm vụ, quyền hạn, nhất là về phương thức hoạt động của Đảng bộ bộ phận khu phố, tránh tình trạng biến Đảng bộ bộ phận khu phố thành một cấp trung gian, chỉ mang tính hình thức mà không có thực chất.
Hiện nay, nhiều cấp ủy và đảng viên còn chưa thật thiết tha với việc thành lập Đảng bộ bộ phận khu phố cũng xuất phát từ tâm trạng lo lắng này.
Tô Văn Giai