GS-TS TRẦN VĂN PHÒNG, Giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
Tiếp cận thông tin một cách thận trọng, chính xác
Người tham gia mạng xã hội nên tự bảo vệ mình bằng việc cẩn trọng, xác thực rõ ràng nguồn tin, sự việc, mới tham gia bình luận, chia sẻ để không bị kẻ xấu lôi cuốn, dẫn dắt. Công nghệ số hiện nay khiến việc cắt ghép, tạo dựng hình ảnh dễ dàng hơn bao giờ hết. Có những thông tin không có nguồn tận nước nào nhưng họ ghép 3, 4 ảnh vào một sự kiện, hoạt động nào đó rồi dựng lên những câu chuyện dễ dàng đánh lừa người xem.
Theo tôi, có nhiều biện pháp để xử lý vấn đề này. Trước mắt, thông tin chính thống từ Đảng, Nhà nước, các cơ quan chính quyền, đoàn thể là phải nhanh, kịp thời, mang tính định hướng, chuẩn mực. Tất cả phải đồng bộ trên cả hệ thống thông tin tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương, trên các phương tiện truyền thông chính thống và cả mạng xã hội.
Thực tế cho thấy, đôi khi một tin xấu, tin đen xuất hiện trên mạng xã hội nhưng việc xử lý từ cơ quan chức năng còn chậm, khiến người dân không biết đó là tin thật hay giả, điều đó là không ổn. Phải có một tổng chỉ huy về mặt trận thông tin, tuyên truyền một cách đồng bộ, nhịp nhàng và phải coi đây cũng là một chiến dịch, một mặt trận phòng chống thông tin xấu trên không gian mạng.
* Đồng chí NGUYỄN HỮU HIỆP, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM:
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trong nhân dân
Thời gian qua, lực lượng nòng cốt tại địa bàn dân cư từ tổ trưởng dân phố, trưởng khu phố đến hội viên tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và chăm lo đời sống dân sinh.
Trong một thời gian dài thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid-19, lực lượng quan trọng này cùng lúc phải đảm đương quá nhiều việc nên có lúc để xảy ra chậm trễ, sơ sót trong công tác là không tránh khỏi. Kẻ xấu đã lợi dụng điều này để đưa lên mạng xuyên tạc, lôi kéo người dân.
Khi có chuyện này chuyện kia xảy ra, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ những người đang trực tiếp ở cơ sở, kịp thời xác minh, phản bác lại những tin xấu trên hệ thống thông tin tuyên truyền để người dân được biết, hiểu rõ hơn từ thực tế. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động phải được đẩy mạnh, kể cả chuyện tốt, việc chưa tốt để người dân hiểu và đồng tình với chúng ta, đồng thời chống lại những thông tin xấu ảnh hưởng cho công cuộc phòng chống dịch Covid-19.
* TS VŨ TRUNG KIÊN, Học viện Chính trị Khu vực II:
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Cuộc chiến với dịch Covid-19 thời gian qua vô cùng cam go, vất vả, các lực lượng chức năng phải chống một loại virus không kém phần phức tạp đã gây rất nhiều nhiễu loạn xã hội: tin giả, tin sai sự thật.
Vừa qua, các cơ quan có trách nhiệm đã xử phạt nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh, song dường như chế tài vẫn chưa đủ mạnh, chưa có sức răn đe với nhiều người. Nếu theo dõi trên các diễn đàn mạng xã hội chúng ta sẽ không khó để bắt gặp các thông tin từ việc sai sự thật đến xuyên tạc, chụp mũ, kích động gây rối về chính trị - xã hội...
Tất nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên những thông tin đánh vào tình cảm cá nhân, thông tin gây sốc thường được mọi người nhanh chóng tiếp nhận, chia sẻ mà không bình tâm để suy luận hay phân tích, vì vậy dễ tin, dễ mắc lừa những tin dạng này.
Việc rà soát, xử phạt những người dù vô tình hay cố ý đăng tải, chia sẻ các thông tin sai lệch, xuyên tạc về phòng chống dịch Covid-19 là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, cùng với đó, các cơ quan có trách nhiệm, thông qua họp báo định kỳ cần cung cấp đầy đủ, cũng như lên tiếng bác bỏ các thông tin xuyên tạc, sai sự thật về dịch bệnh.
* Chị HUỲNH ANH PHƯƠNG THẢO, Bí thư Quận đoàn Phú Nhuận:
Mạnh mẽ phản bác thông tin xấu trên không gian mạng
Mỗi người trẻ khi tham gia tương tác trên không gian mạng phải có nhận thức và nhìn nhận đúng đắn để xác định đâu là tin chính thống, đâu là thông tin xấu, sai lệch và cần nhìn rõ hơn để có thể phản bác lại. Trong giai đoạn hiện nay, người trẻ cần được trang bị kiến thức, hiểu biết nhất định về các hoạt động xã hội tích cực và định hướng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Người trẻ nên tham gia các hoạt động thực tiễn để hiểu rõ việc làm của các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị đang thực hiện giúp đỡ người dân. Những việc đó giúp các bạn trẻ nhìn nhận, thấy rõ hơn, mạnh mẽ hơn trong việc xác nhận thông tin nào là chính xác, thông tin nào cần phản bác.
Các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội cần định hướng cho người trẻ những trang thông tin chính thống để chia sẻ, tìm hiểu, cập nhật thông tin. Như thế mới có được nền tảng đấu tranh, phản bác lại với những luận điệu xuyên tạc, phản động hiện nay trên không gian mạng.