Liên quan đến vụ Triệt phá đường dây mạo danh ngân hàng để lừa đảo hơn 600 người, như Báo SGGP đã thông tin, gần 22 giờ ngày 27-9, Công an quận Tân Phú phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) và Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an TPHCM đã khám xét nhiều địa điểm trên địa bàn quận Tân Phú, quận Bình Tân.
Phóng viên Báo SGGP ghi nhận, tại căn nhà nhiều tầng ở số 48 đường Trần Quang Quá, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú có rất đông lực lượng công an túc trực. Đây là trụ sở chính của các đối tượng trong đường dây mạo danh ngân hàng để lừa đảo do Nguyễn Hoàng Thạch (sinh năm 1993, ngụ tỉnh Đồng Nai) cầm đầu. Bên ngoài, nhiều người dân hiếu kì theo dõi, bàn tán xôn xao.
Trong căn nhà nhiều tầng này có hàng chục đối tượng, tại các tầng, lực lượng công an phải lấy lời khai với từng đối tượng là nhân viên của Nguyễn Hoàng Thạch để làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ.
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo do Nguyễn Hoàng Thạch cầm đầu có độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi, có cả nam và nữ. Hầu hết, các đối tượng này có khu vực làm việc riêng được trang bị điện thoại bàn, tai nghe, máy tính…
Một đối tượng trong đường dây của Thạch khai rằng, mỗi ngày gọi khoảng 50-70 người dân trong danh sách được “sếp” Thạch giao cho. Trong số các khách được gọi thì có 2 người sập bẫy của nhóm. Mỗi tháng, ngoài tiền lương nhận của Thạch thì các nhân viên còn được thưởng theo doanh số từ 100 ngàn đồng đến 130 ngàn đồng/đơn hàng.
Cùng thời điểm, lực lượng công an cũng khám xét nhà riêng của Thạch và kho chứa hàng hóa tại đường Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. Quá trình khám xét có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và người dân. Đồng thời, công an cũng di lý Nguyễn Hoàng Thạch tới kho và nhà riêng để thực hiện việc khám xét theo đúng tố tụng.
Tại đây, công an thu giữ nhiều bao tải chứa các gói hàng. Nguyễn Hoàng Thạch khai là các gói hàng này giao dịch không thành công với khách nên được trả về lại kho.
Một người dân ở đây chia sẻ, Thạch thường hay di chuyển bằng xe ô tô cùng 1 số người về căn nhà 3 tầng là kho chứa hàng. Khi tới đây, Thạch và người đi cùng mang bao tải chứa các gói hàng vào bên trong bỏ chừng vài phút rồi vội ra xe di chuyển.
Như Báo SGGP đã thông tin, chiều 26-9, công an ập vào căn nhà đường Trần Quang Quá bắt quả tang 82 đối tượng đang làm việc trên các máy móc thiết bị liên lạc viễn thông để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra, công an xác định Thạch thuê 2 căn nhà để làm kho chứa hàng và nơi đặt máy móc thiết bị để nhân viên thực hiện việc lừa đảo.
Thạch tuyển 82 người làm nhân viên và đưa danh sách khách cho các nhân viên gọi điện xưng là nhân viên của ngân hàng chào mời vay với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh. Thạch cung cấp luôn kịch bản được soạn sẵn và phân công từng người đóng vai các bộ phận khác nhau.
Theo đó, các nhân viên của Thạch sẽ mạo danh nhân viên ngân hàng TP Bank đưa ra thông tin gian dối về việc ngân hàng cho vay các khoản từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng với lãi suất 0%.
Nếu khách hàng đồng ý vay phải đóng phí bảo hiểm tiền vay từ 1,7 triệu đồng đến 3,9 triệu đồng tùy số tiền vay. Khi khách hàng đồng ý vay thì nhóm sẽ lấy thông tin khách rồi chuyển lại cho Thạch để làm giả hồ sơ đồng ý cho vay vốn của ngân hàng TP Bank.
Sau đó, nhóm Thạch thuê dịch vụ chuyển phát nhanh để giao hợp đồng giả kèm theo 1 thẻ ngân hàng TP Bank giả cho khách. Nhóm nhờ bưu cục thu hộ các khoản phí bảo hiểm tiền vay nói trên. Khi khách nhận được hồ sơ giả thì sẽ tin tưởng trả phí bảo hiểm tiền vay cho nhân viên bưu điện (bằng tiền mặt).
Tiếp đó, Thạch sẽ liên hệ nhân viên bưu điện lấy số tiền mặt rồi chiếm đoạt. Nhân viên của Thạch được trả từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng và được thưởng theo doanh số từ 100 ngàn đồng đến 130 ngàn đồng trên mỗi đơn.
Bước đầu, nhóm Thạch khai thực hiện hành vi lừa đảo nhiều người dân khắp các tỉnh thành trong cả nước. Riêng ở TPHCM, nhóm khai lừa đảo hơn 600 người với số tiền chiếm đoạt là hơn 1 tỷ đồng.
Hiện vụ án đang được điều tra mở rộng.