Xưởng may xuất khẩu giữa vùng gió Lào cát trắng

Ít ai biết, giữa thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch có một xưởng may mỗi năm xuất hàng trăm ngàn chiếc áo đi khắp thế giới.

Đi xuất khẩu lao động về, anh Dương Đức Hiếu (50 tuổi, ngụ xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) mong muốn mở một xưởng may tại quê nhà, đào tạo vài chục công nhân để họ không phải tha hương xứ người. Khi những tấm áo may ở vùng nắng gió Quảng Bình có mặt ở Mỹ, Nhật, Dubai… bạn bè đã nể phục tầm nhìn xa của anh.

Tạo việc cho người làng

Năm 2007, từ Hàn Quốc trở về địa phương, anh Dương Đức Hiếu không như những người đi xuất khẩu lao động hồi hương khác là xây nhà, mua sắm tài sản, anh tính một kế hoạch khác.

"Khi xuất khẩu lao động ở Hàn, tôi được làm việc trong xưởng may, do chuyên cần, thức khuya dậy sớm nên được chủ quan tâm, dạy học từng đường kim mũi chỉ. Dần dần tôi được phân công quản lý một số dây chuyền. Về quê, cứ canh cánh trong lòng, làm sao tạo việc làm cho thanh niên ở làng, chứ thấy anh em đi tha hương mà thương”, anh Hiếu tâm sự.

Nghĩ là làm, vốn liếng dành dụm được sau mấy năm đi xuất khẩu lao động, anh Hiếu mua đất, lập xưởng may. Ban đầu, xưởng gia công áo quần đồng phục trường học. Anh thuê hơn 10 công nhân trong làng, đào tạo nghề bài bản để tham gia may. Vì thợ là những nông dân chân lấm tay bùn, có khi cắt vải hỏng phải làm lại, có khi áo đồng phục bị các trường trả lại khiến anh bị cụt vốn. Không nản, anh Hiếu động viên vợ con, nội ngoại góp vốn để làm lại. Anh kiên trì động viên công nhân: thua keo này phải bày keo khác. Và anh lại nỗ lực chỉ dạy cho đến khi công nhân thuần thục được việc.

Anh Hiếu hướng dẫn công nhân thực hiện sản phẩm may theo đúng quy chuẩn quốc tế
Anh Hiếu hướng dẫn công nhân thực hiện sản phẩm may theo đúng quy chuẩn quốc tế

Chị Nguyễn Hòa, một trong những công nhân gắn bó lâu năm với xưởng may, kể: “Là phụ nữ, làm nông nhưng may vá cũng biết. Tuy nhiên, vào xưởng may anh Hiền, mọi thứ phải học từ đầu. Vì là xưởng may có quy trình, từng công đoạn, người lo chỉ, người lo cắt vải, người lo chuyền may trên, người lo chuyền may dưới. Ai cũng phải học. Cái học với thanh niên ở quê thật khó, nhưng may là được anh Hiếu động viên... Thế mà thành, chớp mắt đã gắn bó với nhau cả mười mấy năm”.

Xuất áo đi Tây

Để giữ được mấy chục thanh niên ở làng làm việc với mình, anh Hiếu tìm thêm thị trường, vì áo quần đồng phục cũng chỉ có chừng mực, không thể có thị trường lớn thành hàng hóa. Nói là làm, anh lên mạng tìm hiểu, bắt mối ở miền Nam rồi miền Bắc, bắt mối qua cả Hàn Quốc, xin làm gia công, dần dà đầu tư máy móc, nhà xưởng, phát triển mới hơn để thu hút thêm lao động, tạo việc cho anh em các vùng quê khác.

“Mười năm trước, tôi xuất chuyến hàng đầu tiên qua Hàn Quốc. Mừng là đã bán được hàng, có thể nuôi anh em công nhân bằng đồng lương bền vững, được đóng bảo hiểm, công nhân của mình có thể nghỉ hưu với đồng lương hưu hẳn hoi”, anh Hiếu chia sẻ. Sau chuyến hàng đi Hàn Quốc, anh Hiếu tiếp tục tìm kiếm bạn hàng và may mắn lại đến, hàng được người Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, các nước châu Âu đón nhận.

“Bí quyết để các đối tác chấp nhận là nhà xưởng phù hợp với quy trình may cắt tiên tiến, không sử dụng hàng vải không rõ nguồn gốc, đặc biệt không sử dụng nhân công là trẻ em, nếu bị phát hiện sẽ bị cắt vĩnh viễn nguồn hàng cả hai chiều. Bây giờ các lô hàng trước khi vào may, đối tác yêu cầu đúng địa chỉ, nguồn gốc nhằm tránh hàng giả, nhái, kém chất lượng”, anh Hiếu cho hay.

Nay xưởng may còn may áo dài phù hợp với người theo đạo Hồi, xuất khẩu qua các nước Ả Rập, đặc biệt là thị trường thành phố Dubai, may bao nhiêu được mua bấy nhiêu. “May cho người Mỹ khó, người Nhật khó, qua Dubai cũng rất khó, bởi khu vực đó người giàu nhiều, chất lượng vải phải tốt, nguồn gốc vải phải rõ ràng, đường may phải chi tiết mới có thể xuất qua được. Ban đầu vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau dần theo quy trình khắt khe, ai cũng hoàn thiện bản thân nên không có sản phẩm lỗi trả về, lương bổng anh em không bị ảnh hưởng”, anh Hiếu nói.

Ít ai biết, giữa thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch có một xưởng may mỗi năm xuất hàng trăm ngàn chiếc áo đi khắp thế giới. Anh Hiếu nói: “Thợ nay đã lành nghề, trải qua nhiều năm cùng nhau phấn đấu, những người thợ ở làng đã làm việc chăm chỉ, không những đảm bảo cuộc sống mà còn làm việc với nhiều đối tác nước ngoài. Tôi mừng vì điều đó”.

Anh Hòa, một công nhân của xưởng hồ hởi: “Làm việc ở quê được trả lương đầy đủ, không thuê nhà trọ, không có chi phí các loại như ở phố nên tiết kiệm tiền cho con cái đi học, hơn 10 năm làm ở đây, tôi cũng tích trữ dựng được căn nhà, có bảo hiểm nữa nên rất an tâm”.

Xưởng may ở tại thị trấn Hoàn Lão của anh Hiếu đã có 150 công nhân. Đọc báo thấy đường cao tốc đi qua xã miền núi Hưng Trạch, anh Hiếu liền bàn với vợ mở thêm xưởng. “Hưng Trạch là nút giao thông lên đường cao tốc. Khi đường cao tốc hoàn thành, nó là đường vận chuyển logistics đi các cảng nước sâu, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, sẽ giảm cước vận chuyển, do đó tôi quyết mở thêm xưởng may trên đó. Cuối năm hoàn thiện, sẽ có khoảng 300 công nhân lành nghề hoạt động”, anh Hiếu nói.

Hiện nay mỗi tháng, công nhân may của anh Hiếu lãnh lương từ 8-9 triệu đồng/người, quỹ lương của xưởng gần 2 tỷ đồng/tháng, mỗi năm trên 20 tỷ đồng. Nếu cơ sở mới hoàn thiện, lượng công nhân sẽ ngày càng đông. "Giữa vùng gió Lào cát trắng, làm được việc như vậy là vô cùng ý nghĩa”, ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết.

Tác giả MINH PHONG

Bình chọn bài viết

Bài viết mới