Cuốn sách Đêm Sài Gòn không ngủ của nhà văn Trầm Hương (NXB Văn Nghệ, 6/2008) gây thú vị cho tôi ngay từ… chuyện đính chính. Chả là, do sơ xuất khi in nên trang 20 và 21 bị đảo lộn. Theo thông lệ, sách sẽ có một trang in thêm ở cuối sách để đính chính, nhưng tác giả đã quyết định biến sai sót bất khả kháng ấy thành một thú chơi.
Dùng một tờ bìa cứng, nhỏ, bóng, đẹp, chị in lời đính chính: “Do sai sót về kỹ thuật, nội dung của trang 20 sẽ là nội dung của trang 21. Mong quý độc giả lượng thứ cho sai sót này”, kèm ảnh chân dung, chữ ký, số điện thoại, email của mình. Như vậy tờ đính chính không chỉ thỏa mãn yêu cầu đúng, đủ, mà còn trang nhã và bắt mắt.
Để ngợi ca cái hay của sách, người xưa dùng câu nói: “Thư đới lưu hương” (nghĩa là: Dải dây kẹp sách còn giữ mùi thơm). Câu nói ấy, ngoài chuyện tán thán cái hay, cái đẹp của nội dung sách, của thú đọc sách, chơi sách, thì chỉ một chuyện nhỏ thôi nhưng rất quan trọng, ấy là dải dây kẹp ở mỗi cuốn sách.
Dải lụa nhỏ nhắn này giúp độc giả vừa đánh dấu được trang sách đang đọc dở mà vẫn gấp được sách lại để xếp lên giá, vào kệ. Dải dây tuy nhỏ nhưng công dụng thì thật lớn. Ấy vậy mà từ xưa đến nay, những người làm sách hầu như ít để tâm đến điều này.
Thế nên, những cuốn sách hoặc có dải dây kẹp thì cũng xộc xệch, tơ tướp hoặc không hề có thứ nhỏ nhắn nhưng quan trọng này. Khi đọc những cuốn sách mà tôi quen gọi là bị “cạo nhẵn hàng mi” ấy, độc giả đành phải đánh dấu sách bằng trăm phương nghìn kế, người thì dọc mảnh bìa cứng, người vót chiếc nan tre... rất bất tiện; có người còn gấp chéo mép của trang sách đang đọc dở để đánh dấu, làm giấy nhanh nhũn, rách, làm xấu sách. Có lẽ thấm thía những điều bất tiện ấy nên khi làm cuốn Tô Đông Pha - Những phương trời viễn mộng của Tuệ Sỹ (NXB Văn hóa Sài Gòn-2008), những người làm sách đã kỳ công thực hiện một tờ kẹp sách độc đáo.
Trên miếng bìa cứng có đính dải dây kim tuyến, một mặt chụp nguyên những nét chữ phượng múa rồng bay mà Tô Đông Pha đề thủ bút nhân Tiết hàn thực ở Hoàng Châu, với những dòng cảm khái: Nam lai bất giác tuế tranh vanh/Tọa bát hàn hôi thính vũ thanh (Từ nam sang, bỗng chốc năm đã chầy heo hút/Giữa đêm dài ngồi khơi tro lạnh nghe mưa rơi)…, mặt kia in bức tranh Trúc, chữ Hán và phiên âm thủ bút. Đấy là cái kẹp sách đẹp nhất, ý nghĩa nhất mà tôi may mắn được thấy trong vòng 30 năm nay.
Mới thấy, khi đã yêu, đã mong muốn thể hiện niềm đam mê với sách thì chỉ với những thứ nhỏ nhất: tờ đính chính, dải dây kẹp sách..., người ta cũng có thể chơi cho hay cho đẹp.
Hai chuyện trên làm người viết phấn khởi bao nhiêu thì chuyện dưới đây lại làm lòng tôi trĩu nặng bấy nhiêu. Từ lâu, trong giới chơi sách, ông V. nổi danh là người học rộng biết nhiều và có bộ sưu tập sách cổ rất đồ sộ, đa dạng và phong phú. Là kẻ hậu sinh, lại chập chững bước chân vào làng sách cổ nên xưa nay, tôi phục ông lắm.
Mãi cho đến gần đây, ông gọi tôi đến ngỏ ý muốn nhượng cho mấy tờ báo, cuốn sách cổ. Thoạt tiên, xét đơn thuần về nội dung và tuổi của chúng, tôi đã chết mê chết mệt, nhưng khi lần giở những trang sách, báo, tôi rất lấy làm lạ khi chúng bị khoét thủng rất nhiều.
Cẩn trọng suy xét, tôi nhận thấy, những chỗ bị khoét ấy chính là những bức tranh mà các danh họa vẽ minh họa cho nội dung trang sách, bài báo. Thì ra, từ lâu, ông V. có thú sưu tầm tranh minh họa nên lùng được cuốn sách, tờ báo nào, ông thẳng tay khoét ngay những tranh minh họa trong đó ra rồi lại tìm cách sang tên những cổ vật đầy khuyết tật ấy cho những con gà mờ.
Vậy là, để phục vụ cho thú chơi của mình, ông V. đã tàn phá biết bao cuốn sách, tờ báo - những cổ vật, những văn hóa phẩm - quý giá.
Cùng là thú chơi, nhưng có người chơi để chia sẻ, để nhân niềm vui của mình với công chúng, có người thì vì thú chơi của mình mà bất chấp tất cả nên thành kẻ phá hoại. Xem ra câu “Chơi cho biết đá biết vàng” cũng có thể hiểu là nhìn vào cách chơi, ta sẽ biết người vàng, kẻ đá.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG