Xung quanh sai phạm quản lý đất công ở Bình Dương - Bài 2: Ai hợp thức hóa cho sai phạm?

Mặc dù những sai phạm của Tổng Công ty (TCT) Bình Dương rất nghiêm trọng và lặp đi lặp lại trong thời gian dài, trái với chủ trương, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, nhưng điều lạ là những sai phạm sau đó lại được một số cá nhân lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương “hợp thức hóa”, dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước, gây dư luận xấu. Trước sự việc trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc... và nay có đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật nhiều lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Tiền trảm hậu tấu

Theo văn bản giải trình của TCT Bình Dương, ngày 12-10-2007, công ty đã ký hợp đồng liên doanh với 2 đối tác Hàn Quốc là Công ty IC Coporation và K Source Solution thành lập Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Thành, vốn điều lệ 30 triệu USD.

Tuy nhiên, đến ngày 17-10-2007, TCT Bình Dương mới có công văn số 260/CV-CTY gửi UBND tỉnh Bình Dương xin liên doanh cổ phần và cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho công ty liên doanh, công ty cổ phần.

Đến 24-10-2007 UBND tỉnh có văn bản (do Phó Chủ tịch Thường trực Trần Văn Lợi ký) chấp thuận cho TCT Bình Dương được liên doanh góp vốn với 2 đối tác Hàn Quốc, được phép đưa 145ha đất đã đền bù vào góp vốn trong công ty liên doanh, công ty cổ phần. Chính lãnh đạo TCT Bình Dương cũng thừa nhận, thời điểm đem đất đi liên doanh chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định, vì thực tế đến năm 2013 mới chính thức được giao đất và cấp giấy chứng nhận QSĐD.  

Xung quanh sai phạm quản lý đất công ở Bình Dương - Bài 2: Ai hợp thức hóa cho sai phạm? ảnh 1 Dự án sân golf Thái Hòa thuộc Công ty CP Đầu tư và phát triển Tân Thành - một trong ba dự án do TCT Bình Dương lập ra

Đối với khu đất 43ha, vẫn cách làm “tiền trảm hậu tấu”, ngày 1-7-2010, TCT Bình Dương ký hợp đồng thỏa thuận liên doanh với Công ty CP BĐS Âu Lạc để lập ra Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú có tổng vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Trong đó, TCT Bình Dương góp 60 tỷ đồng, tương đương 30% bằng tiền mặt để thực hiện dự án khu dân cư thương mại dịch vụ, nhưng đến ngày 21-7-2010 mới có văn bản gửi Tỉnh ủy Bình Dương xin chủ trương và ngày 17-8-2010 Tỉnh ủy Bình Dương có văn bản chấp thuận. 

Và cũng giống với các dự án trước, TCT Bình Dương đã đem đất nhà nước đi liên doanh trước khi được UBND tỉnh có quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất vào năm 2012.  

Sai phạm được hợp thức hóa

Các hoạt động triển khai hợp tác liên doanh trước khi được Tỉnh ủy cho chủ trương có dấu hiệu qua mặt Tỉnh ủy. Ngay cả khi hồ sơ chuyển qua UBND tỉnh để triển khai các thủ tục theo quy định của nhà nước về giao đất, cấp QSDĐ, định giá đất các sai phạm vẫn không bị phát hiện.

Ngày 9-1-2012, ông Trần Văn Nam (thời điểm này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) ký Văn bản số 54/UBND-KTN chấp thuận cho phép TCT Bình Dương được lập thủ tục giao đất và Quyết định số 2631/QĐ-UBND ngày 28-9-2012 về giao đất có thu tiền sử dụng đất với tổng diện tích 43ha cho doanh nghiệp này tại Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương.

Đặc biệt, vào ngày 3-11-2012, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục có Văn bản số 3444/UBND-KTN cũng do ông Nam ký, chấp thuận đơn giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính đối với TCT Bình Dương là 51.914 đồng/m2. Trong khi trước đó, TCT Bình Dương đã ký hợp đồng liên doanh với Công ty Âu Lạc với mức 570.000 đồng/m2.

Các văn bản này chẳng khác nào hợp thức hóa cho hành vi vi phạm của TCT Bình Dương và chính từ những quyết định này mà sau đó TCT Bình Dương mới có thể chuyển nhượng QSDĐ cho các công ty tư nhân. Chưa hết, dù TCT Bình Dương có ý định chuyển nhượng 30% vốn góp cho Công ty Tân Phú là không thực hiện đúng chủ trương của Tỉnh ủy, nhưng ngày 17-4-2017, ông Nam (thời điểm này là Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) khi chủ trì họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất cho TCT Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp.

Sau đó, ông Phạm Văn Cành (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy) đã ký thông báo kết luận và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp cho Công ty Âu Lạc kèm theo điều kiện “phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng và chịu trách nhiệm việc ký kết hợp đồng, thu tiền đúng quy định”.  

Theo Sở TN-MT tỉnh Bình Dương, quá trình chuyển nhượng vốn của TCT Bình Dương với Công ty Tân Phú, từ Công ty Tân Phú sang Công ty Âu Lạc là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chỉ bắt đầu phát hiện ra sai phạm khi TCT Bình Dương có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương xin điều chỉnh phương án sử dụng đất, trong đó 30% vốn góp với Công ty Âu Lạc là bằng QSDĐ chứ không phải bằng tiền như phê duyệt.

Công an tỉnh Bình Dương đã vào cuộc điều tra và xác định, việc chuyển nhượng khu đất 43ha do TCT Bình Dương thực hiện không đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản nhà nước tại doanh nghiệp  theo quy định tại Điều 27, Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 13-10-2005 của Chính phủ, gây thất thoát số tiền hơn 126,8 tỷ đồng.

Nhưng đây chỉ là giá tạm tính theo giá đất do UBND tỉnh Bình Dương ban hành cùng thời điểm. Còn theo định giá của Ngân hàng Phương Đông và các bên liên quan dự án thì khu đất trên có giá thị trường lên đến 1.200 tỷ đồng và con số thất thoát lên đến 1.000 tỷ đồng. 

 

Tháng 4-2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các lãnh đạo chủ chốt TCT Bình Dương để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Vụ án sau đó được chuyển giao Bộ Công an. Từ cuối năm 2020, vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Tính đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 14 người là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TCT Bình Dương và các doanh nghiệp, đơn vị liên quan.

Tin cùng chuyên mục