HIến máu nhân đạo là việc làm mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Ảnh: PHƯƠNG NGHI. |
Tổ xác minh các thông tin phản ánh từ loạt bài trên theo Quy định số 1374-QĐ/TU ngày 1-12-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy (sau đây gọi tắt là Tổ xác minh) đã tiến hành các buổi làm việc trực tiếp với Ban Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM để xác minh thông tin từ loạt bài viết.
Trong bài viết “Số dư đi về đâu?” đăng ngày 8-11-2022, Báo SGGP so sánh, chỉ rõ khoản chênh lệch trong phần ăn tại chỗ và phần quà cho người hiến 350ml máu tại Trung tâm Hiến máu, trung bình 7.000 đồng/phần.
Về điều này, Tổ xác minh giải thích: “Điểm hiến máu cố định tại trung tâm có tổ chức suất ăn nhẹ cho người hiến máu với tiêu chuẩn trị giá 30.000 đồng/người bao gồm: 2 ly trà đường loại cốc giấy dùng một lần, 1 hộp sữa tươi, 1 hộp sữa đậu nành, 1 bánh mì bơ sữa Kinh Đô, 1 bánh ngọt socola. Tổng hợp các thành phần trên đảm bảo đúng giá trị 30.000 đồng theo giá thị trường, việc phản ánh trên bài báo đã tổng hợp thiếu 2 cốc trà đường và 1 chiếc bánh ngọt socola”.
Vào thời điểm tiếp nhận phản ánh từ người hiến máu nhân đạo (kèm hình ảnh như báo đã đưa) cũng như khảo sát thực tế của PV Báo SGGP vào thời điểm viết bài, chúng tôi khẳng định thông tin trên báo là chính xác, không có chuyện “tổng hợp thiếu”.
Một điểm hiến máu nhân đạo tại TPHCM. Ảnh: PHƯƠNG NGHI |
Về phần quà tặng cho người hiến 350ml máu, trong bài viết “Số dư đi về đâu?”, chúng tôi chỉ ra khoản chênh lệch 33.000 đồng, theo Thông tư 17/2020/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành.
Giải thích điều này, Tổ xác minh nêu: “Trong bài báo có nêu lên và phân tích giá trị của các sản phẩm quà tặng nhưng lại đưa ra giá không đúng với bản chất của sự việc, thiếu rất nhiều các chi phí dịch vụ liên quan, giá của mỗi sản phẩm quà tặng gửi đến người hiến máu đã bao gồm các chi phí dịch vụ như: bốc vác quà tặng từ kho lên xe ô tô, từ ô tô xuống điểm hiến máu và khi kết thúc buổi hiến máu lại bốc vác ngược lại, thuê kho bến bãi, vận chuyển, công người phục vụ cấp phát, đóng gói quà tặng, túi đựng quà, thuế giá trị gia tăng... được ghi rõ trong hồ sơ mời thầu và được công ty tính vào gói dịch vụ cung cấp quà tặng cho người hiến máu. Khi khảo sát giá trên thị trường thì khảo sát giá của bán buôn theo số lượng lớn, nhưng việc mua quà của Trung tâm Hiến máu nhân đạo thì thực hiện theo các đơn hàng bán lẻ và kèm các dịch vụ nên dẫn đến có sự khác nhau về giá. Ngoài ra, các địa phương khác của cả nước thường tổ chức một điểm hiến máu có từ 100 người trở lên thì tại thành phố vẫn còn tồn tại nhiều điểm hiến máu khoảng trên dưới 50 người đăng ký hiến máu, cá biệt còn có điểm 20 người đăng ký hiến máu mà chi phí phục vụ lại như nhau thậm chí các xã xa ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, đa phần là dưới 70 người đăng ký hiến máu nhưng đơn vị cung cấp vẫn phải đảm bảo công tác tổ chức và phục vụ như các điểm hiến máu khác”.
"Giọt vàng" trao đi, nhiều giá trị tốt đẹp lan toả đến cộng đồng. Ảnh: PHƯƠNG NGHI |
Về vấn đề này, Báo SGGP một lần nữa khẳng định: “Không thể bắt người hiến máu tình nguyện phải “cõng” trên vai nhiều loại phí như khuân vác, thuê bến bãi, công người cấp phát… Người hiến máu tình nguyện phải được hưởng trọn vẹn phần quà tặng theo quy định. Hãy thử một phép tính: 1 phần quà có khoản chênh lệch với giá thực tế là 33.000 đồng, như vậy một người hiến máu mất 33.000 đồng, thì con số chênh lệch của hơn 100.000 người hiến máu mỗi năm là bao nhiêu? Số chênh lệch đó hẳn là rất khủng so với số chi phí được kê ở trên, liệu có đủ bù vô cái được gọi là “chi phí” đó? Tất cả những điều này đã được xác minh, làm rõ hay chưa?”.
Về thông tin của Tổ xác minh: “Khi khảo sát giá trên thị trường thì khảo sát giá của bán buôn theo số lượng lớn, nhưng việc mua quà của Trung tâm Hiến máu nhân đạo thì thực hiện theo các đơn hàng bán lẻ và kèm các dịch vụ nên dẫn đến có sự khác nhau về giá”.
Báo SGGP khẳng định: Việc khảo sát giá của PV Báo SGGP là giá bán lẻ ở siêu thị, không phải giá bán buôn. Trừ phần quà thú nhồi bông, qua khảo sát tại chính đơn vị cung cấp quà tặng cho hoạt động hiến máu, con số chênh lệch đến gần 70.000 đồng/con. Những con số này không thấy được phản hồi làm rõ với bạn đọc Báo SGGP trong văn bản trả lời.
Báo SGGP trân trọng sự phản hồi từ các cơ quan chức năng sau loạt bài “Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo”, một lần nữa chúng tôi xin khẳng định quan điểm nhất quán của mình: Chúng tôi luôn ủng hộ phong trào hiến máu tình nguyện và những mô hình hiến máu hay, hiệu quả mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng… Thông qua những bài viết, hình ảnh, video chúng tôi đã - đang và sẽ tiếp tục lan toả những câu chuyện hiến máu tình nguyện tốt đẹp ra xã hội.
Qua thông tin từ Tổ xác minh 1374, chúng tôi cũng không khỏi băn khoăn và đặt câu hỏi ngược lại: “Điều ý nghĩa của việc trao đi giọt máu hồng chính là kịp đến với người nhận và nụ cười hạnh phúc, là một cuộc sống được tái sinh của người nhận chứ không phải phần quà lớn hay nhỏ. Nhưng một phần quà dành cho nghĩa cử hiến máu nhân đạo cao đẹp, phải gánh luôn các loại phí dịch vụ đi kèm như: bốc vác quà tặng từ kho lên xe ô tô, từ ô tô xuống điểm hiến máu và khi kết thúc buổi hiến máu lại bốc vác ngược lại, thuê kho bến bãi, vận chuyển, công người phục vụ cấp phát, đóng gói quà tặng, túi đựng quà, thuế giá trị gia tăng..., liệu có xứng đáng với nghĩa cử cao đẹp trao đi “giọt vàng” vì cộng đồng không?
Điều đáng nói, thậm chí sau khi Báo SGGP đã nêu khoản chênh lệch lớn trong giá trị quà tặng cho người hiến máu nhân đạo qua loạt bài “Trục lợi từ quà tặng hiến máu nhân đạo”, thì tại các điểm hiến máu, việc tổ chức và chất lượng quà tặng… vẫn như cũ. Người đi hiến máu vẫn phải nhận phần quà có giá trị chênh lệch vài chục ngàn đồng… như những gì trước đó Báo SGGP đã nêu!