Đề xuất này vấp phải sự phản ứng từ người tiêu dùng bởi nhiều lý do, trong đó nổi bật là việc nghi ngại chất lượng của xăng sinh học pha cồn, cũng như việc bỏ xăng khoáng A95 sẽ làm hạn chế quyền và sự lựa chọn của người mua.
Cụ thể, rất nhiều người tiêu dùng đặt vấn đề, liệu cơ quan quản lý nhà nước lẫn các DN kinh doanh xăng dầu có tuân thủ quy luật thị trường không, khi cấm xăng A95? “Nói về xăng E5 RON 92 (gọi tắt là E5), sau thời gian đưa vào sử dụng, chúng tôi dùng thấy chất lượng không bằng xăng A92 truyền thống và đương nhiên thấp xa so với xăng A95. Đổ xăng E5 thấy xe chạy nặng máy, nên tôi mới phải chịu tốn thêm tiền để mua xăng A95. Do đó, cơ quan chức năng nên xem lại chất lượng xăng E5, chứ đừng vì bán không đạt kế hoạch đặt ra do giá cao, chất lượng thấp mà cấm A95. Làm như vậy là áp đặt độc quyền và cưỡng ép người tiêu dùng phải theo ý mình để bán các sản phẩm có lợi nhuận cao”, ông Nguyễn Văn Bình (ngụ quận Gò Vấp) nêu vấn đề.
Tương tự, bà Phạm Thị Lài (ngụ quận Tân Phú) phản ứng: “Chúng tôi là người tiêu dùng. Chúng tôi tự biết mình cần gì và có nhu cầu mua gì. Xăng E5 có vấn đề chúng tôi mới không dùng. Các DN muốn bán được loại xăng này thì cần chứng minh chất lượng trước người tiêu dùng. Việc bỏ hẳn xăng A95 để chỉ bán xăng pha cồn là hành động cưỡng ép. Nếu đề xuất này được thông qua, tôi sẽ khởi kiện ra tòa án”.
Nhìn chung, hầu hết người tiêu dùng đều bất ngờ khi biết thông tin đề xuất nói trên. “Cái đó thể hiện sự độc tài trong kinh doanh xăng đầu. Họ bán và bắt dân phải mua để cứu những nhà máy ethanol èo uột; bỏ qua quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Nếu xăng E5 thực sự tốt và rẻ thì cứ để thị trường tự quyết định, sao phải bỏ xăng khoáng để ép buộc sử dụng xăng pha cồn”, ông Phan Trung Thân, chủ một cửa hàng kinh doanh xe máy trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), bày tỏ bức xúc.
Tuy không phản ứng gay gắt như người tiêu dùng, nhưng hầu hết các chuyên gia đều đưa ra khuyến cáo cần thận trọng với việc ngay tức khắc “khai tử” xăng khoáng để thay thế hoàn toàn bằng xăng pha cồn.
“Chúng tôi ủng hộ ý kiến trên do sẽ góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ đang cạn kiệt, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, ethanol giúp xăng cháy sạch hơn và động cơ ô tô có thể sử dụng được E10 mà không bị ảnh hưởng đến vận hành, độ bền. Tuy nhiên, để mở rộng thêm các loại xăng E5, cần đảm bảo chất lượng, tránh gian lận thương mại trong quá trình pha chế, phân phối. Bên cạnh đó, Chính phủ nên giảm thuế để xăng E5 có cơ hội giảm giá, thúc đẩy khách hàng mua loại nhiên liệu thân thiện với môi trường. Đồng thời, cần có lộ trình để các nhà sản xuất ô tô, xe máy chuẩn bị thay đổi sản phẩm cho phù hợp”, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe Việt Nam nêu ý kiến.
Còn theo TS Trần Minh Ngọc (chuyên gia kinh tế, Đại học Công nghiệp TPHCM), đề xuất của các DN xăng dầu cần được xem xét hết sức thận trọng, phải nhận được sự đồng thuận lớn của thị trường và có đủ chứng minh về kinh tế kỹ thuật thì mới có thể triển khai, bằng không sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế; và cần có sự tôn trọng, tránh hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Nếu không thận trọng, cân nhắc kỹ về đề xuất và có lộ trình phù hợp thì có thể xảy ra tình trạng độc quyền xăng E5, tăng giá xăng.
“Đề xuất này còn nhiều điều phải bàn, đặc biệt với nền kinh tế thị trường “thuận mua, vừa bán”, điều cần nhất là sự đồng thuận của người tiêu dùng. Khi đã chuyển sang dùng xăng sinh học thì nhà chức trách phải cam kết đảm bảo chất lượng và minh bạch thông tin, để người dân tin dùng xăng sinh học”, TS Trần Minh Ngọc nêu quan điểm.
Trước đó, trong buổi làm việc với các DN xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết sẽ xem xét kỹ đối với đề xuất pha cồn vào xăng RON 95 để tạo xăng sinh học, sau đó tập hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trên tinh thần đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ người tiêu dùng, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.