![Quang cảnh Hội nghị An ninh Munich 2025. Ảnh: GETTY IMAGES](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/ohpohuo/2025_02_14/o8c-3059-7819.jpg.webp)
Cách tiếp cận khác về xung đột Ukraine
Bên lề hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio có các cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Sau cuộc điện đàm quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin với kết luận “đã đến lúc bắt đầu các cuộc đối thoại chấm dứt xung đột tại Ukraine”, dư luận tại châu Âu đang lo ngại các chính phủ châu Âu có thể bị đứng ngoài thỏa thuận chấm dứt xung đột.
Giáo sư Bertrand Badie của Trường Sciences Po (Pháp) nhận định, cuộc điện đàm cho thấy rõ ý định của Tổng thống Mỹ rằng châu Âu không phải là bên quyết định. Thêm nữa, việc Ukraine bị loại khỏi đàm phán song phương Mỹ - Nga cho thấy ông Donald Trump muốn đoạn tuyệt với chính sách của người tiền nhiệm Joe Biden. Chính quyền ông Joe Biden trước đây luôn khẳng định “sẽ không có chủ đề gì về Ukraine mà không có Ukraine tham gia”. Trong khi đó, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga (dự kiến diễn ra ở Saudi Arabia) tới đây dù bàn về Ukraine nhưng không có Ukraine tham dự. Ông Zelensky cũng chỉ biết thông tin sau cuộc điện đàm giữa hai Tổng thống Mỹ và Nga.
Do đó, cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ JD Vance được giới quan sát đánh giá là một thách thức với Tổng thống Ukraine vì phải thuyết phục được ông JD Vance ủng hộ nỗ lực của Kiev. Trước đây, ông JD Vance đã từng phản đối Washington tài trợ cho Kiev trong cuộc xung đột.
Châu Âu phải thay đổi
Trước khi MSC 2025 khai mạc, hãng DW dẫn lời Chủ tịch MSC Christoph Heusgen cho biết, trong hội nghị năm nay, rất có thể Phó Tổng thống Mỹ JD Vance sẽ tuyên bố rút phần lớn binh lính Mỹ đồn trú tại châu Âu về nước, để châu Âu phải tự gánh vác việc đảm bảo an ninh. Trong cuộc gặp song phương với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 14-2, ông JD Vance nhấn mạnh: “Châu Âu luôn là một đồng minh quan trọng của Mỹ. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng tôi nghĩ rằng châu Âu sẽ phải đóng vai trò lớn hơn trong đảm bảo an ninh của chính mình”.
Một ngày trước tuyên bố của ông JD Vance, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã có những động thái mạnh mẽ để củng cố khả năng phòng thủ của khối. Trong khuôn khổ cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Brussels ngày 13-2, NATO đã công bố hai sáng kiến đa quốc gia mới, đồng thời mở rộng hợp tác trong các dự án hiện có nhằm tạo ra một “lá chắn thép” vững chắc trước các mối đe dọa hiện đại. Một trong những sáng kiến mới là dự án phát triển các giải pháp hiệu quả hơn để đối phó với các mối đe dọa từ không trung ở tầm thấp, tức là các mục tiêu bay dưới 150m. Bên cạnh đó, NATO cũng khởi động một sáng kiến đa quốc gia về giám sát không gian thụ động, chẳng hạn như sử dụng các phương pháp phát hiện tiếng ồn để xác định các mối đe dọa.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, NATO đang ngày càng gia tăng áp lực đối với các thành viên châu Âu và Canada để tăng cường chi tiêu quốc phòng. Tổng Thư ký NATO, ông Mark Rutte, đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ, thúc giục các quốc gia đạt mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng trước mùa hè năm nay.