Không muốn đối đầu trực diện
Trong cuộc gặp giữa Ukraine với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) hôm 21-2, 3 bên đã thống nhất sẽ cùng khởi động cơ chế điều phối cung cấp vũ khí cho Ukraine. Để đạt mục tiêu này, các bên sẽ thiết lập một cơ chế phối hợp, liên kết các ngành công nghiệp quốc phòng, các nhà thầu và chính phủ. Cơ chế này không chỉ đáp ứng nhu cầu của Ukraine mà còn bổ sung cho kho dự trữ đạn dược của các nước thành viên NATO và EU. Đại diện NATO và EU cho biết, do tốc độ tiêu thụ đạn dược của Ukraine lớn hơn tốc độ sản xuất, các quốc gia thành viên EU và NATO cần phải tăng cường sản xuất.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Anh, Pháp và Bỉ hồi đầu tháng 2 vừa qua. Lãnh đạo nhiều nước châu Âu tiếp đón Tổng thống Ukraine nồng nhiệt cùng những cam kết ủng hộ Ukraine không hề thay đổi. Tuy nhiên, các nước vẫn để ngỏ khả năng cung cấp chiến đấu cơ cũng như các loại vũ khí tầm xa cho quân đội Ukraine theo yêu cầu của ông Zelensky. Ngay cả trong chuyến thăm Kiev hôm 20-2 vừa qua, Tổng thống Joe Biden cũng bày tỏ sự ủng hộ “không thể lay chuyển” với Ukraine, đồng thời thông báo khoản hỗ trợ quân sự mới lên đến 500 triệu USD gồm các loại vũ khí đạn được, tên lửa Javelin hay radar nhưng lại không đề cập đến các loại tên lửa tầm xa và chiến đấu cơ mà Kiev xin viện trợ.
Ông Michel Goya, nhà sử học, cựu Đại tá quân đội Pháp, nhận định, phương Tây đang ở thế khó. Họ muốn ngăn không cho Nga giành chiến thắng ở Ukraine nhưng cũng không muốn phải đối đầu trực diện với Moscow, tránh bị Nga coi là bên đồng tham chiến.
Ngày 21-2, Hãng tin TASS của Nga cho biết, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Mỹ tại nước này, bà Lynn Tracy, để bày tỏ phản đối việc Mỹ ngày càng can dự vào cuộc xung đột tại Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng việc cung cấp vũ khí cho Lực lượng vũ trang Ukraine cho thấy sự không nhất quán trong những khẳng định trước đây của Mỹ, rằng nước này không phải là bên tham gia cuộc xung đột.
Chán ngán
Báo La Croix của Pháp bày tỏ lo ngại, gần 1 tháng nay trong nội bộ châu Âu xuất hiện các dấu hiệu cho thấy sự ‘‘mệt mỏi’’ của các đồng minh phương Tây của Ukraine. Nhiều nước châu Âu tỏ ra chần chừ trong việc đáp ứng nhu cầu về vũ khí của Ukraine đến mức hôm 20-2, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell, một lần nữa kêu gọi 27 quốc gia thành viên EU sử dụng kho đạn dự trữ để cung cấp cho quân đội Ukraine. Dư luận ủng hộ Ukraine tại Mỹ và châu Âu cũng sụt giảm. Theo thăm dò của Ifop cho Quỹ Jean Jaurès và Báo Le Figaro, tỷ lệ ủng hộ Ukraine tại Ba Lan sụt giảm từ 91% xuống 79%, Tây Ban Nha từ 80% xuống 74%. Pháp ghi nhận mức sụt giảm lớn từ 82% xuống 64% và tương tự ở Đức từ 86% xuống 61%, hay Italy từ 80% xuống 62%.
Trong khi đó, tại Mỹ chỉ còn 48% người dân ủng hộ cung cấp vũ khí cho Ukraine so với 60% hồi tháng 5-2022. Tỷ lệ ủng hộ tài chính cũng sụt giảm. Trong một bài viết trên Tạp chí trực tuyến Federalist (Mỹ), nhà bình luận Victoria Marshall cho hay ngày càng có nhiều công dân Mỹ muốn chính quyền tập trung vào các vấn đề trong nước, nhất là khủng hoảng di cư ở biên giới phía Nam. Tác giả kết luận: Mọi người bắt đầu nhận ra rằng việc cung cấp thêm vũ khí chỉ kéo dài cuộc khủng hoảng và không đến gần giải pháp.
Tờ La Croix cho rằng, thách thức hiện nay của các nước phương Tây là thuyết phục được chính công luận nước mình. Theo La Croix, “các lãnh đạo châu Âu đã bị đẩy vào chân tường. Họ biết rằng trong cục diện địa chính trị toàn cầu hiện nay không có bên nào khác có thể hỗ trợ Kiev ngoài họ”.
Ngày 18-2, tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 59 diễn ra tại Đức, ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã kêu gọi hòa bình và đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine. Theo ông Vương Nghị, các biên liên quan, nhất là các nước châu Âu, bắt đầu suy nghĩ một cách bình tĩnh về những nỗ lực khả thi để chấm dứt cuộc xung đột này.
Hậu quả trực tiếp của xung đột Ukraine là giá cả thực phẩm, năng lượng, các nhu cầu căn bản của xã hội con người tăng vọt. Khó khăn thêm chồng chất với khối các nước nghèo. Nghiêm trọng hơn, theo một nghiên cứu của Quỹ Friedrich Ebert (Đức), các phong trào phản kháng liên quan đến ‘‘các dịch vụ thiết yếu và nhu yếu phẩm’’ đang trỗi dậy chưa từng có ở nhiều nơi trong năm 2022 vừa qua.