Nông sản xuất khẩu hưởng lợi
Các chuyên gia dự báo, xung đột Nga - Ukriane sẽ tiếp tục đẩy giá nhiên liệu, lương thực tăng cao do các quốc gia có tâm lý tích trữ. Giá một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng cao là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo Bộ NN-PTNT, trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước và xuất siêu khoảng 1,8 tỷ USD (tăng 86,7% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, cá tra xuất khẩu được giá cao.
Hoạt động xuất khẩu lúa gạo sôi động ngay từ đầu năm với kim ngạch 2 tháng đạt 441 triệu USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp nhận định, thị trường xuất khẩu gạo năm nay sẽ thuận lợi hơn do nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch Covid-19, bất ổn của kinh tế thế giới khiến nhiều nước gia tăng tích trữ lương thực.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm nay, Việt Nam tiếp tục khai thác lợi thế từ Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU với khối lượng sẽ không dưới 60.000 tấn. Mới đây, Hàn Quốc cũng thông báo phân bổ hạn ngạch thuế quan 55.112 tấn gạo được nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế suất ưu đãi 5% trong năm 2022.
Với 2 thị trường đang xảy ra xung đột, theo Tổng cục Hải quan và Bộ Công thương, 2 tháng qua kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chiếm tỷ lệ nhỏ.
Đối với thị trường Nga, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đạt trị giá 555,3 triệu USD các loại, chỉ chiếm 1,03% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 446,2 triệu USD, chỉ chiếm 0,8%.
Còn đối với thị trường Ukraine, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam xuất đạt 57,5 triệu USD, chỉ chiếm 0,11% kim ngạch xuất khẩu cả nước và nhập khẩu chỉ đạt 8,4 triệu USD.
Nhiều áp lực và thách thức
Mặc dù vậy, xung đột Nga - Ukraine và ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao đang gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Hiện tại, giá phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu tăng khoảng 80%-130% so với năm ngoái. Nga và Trung Quốc là 2 nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới nên việc Nga hạn chế xuất khẩu xăng dầu và phân bón để trả đũa trừng phạt kinh tế có thể tác động xấu hơn về nguồn cung, trong khi Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn phân bón nhập khẩu.
Để giảm tác động tiêu cực của giá phân bón tăng cao, TS Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho rằng, bà con nông dân nên tìm cách thay thế, sử dụng các loại phân bón khác rẻ hơn, hợp lý hơn và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. Đồng thời, cần đảm bảo nguồn cung, không để thiếu phân bón sản xuất trong nước. Hiện các nhà máy trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như: urea, DAP, supe lân, lân nung chảy, nitrat amon, NPK; chỉ có một số loại như phân SA và kali… phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù kim ngạch giữa Việt Nam với Nga và Ukraine không lớn nhưng năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang mở đường đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Nga. Hiện có nhiều doanh nghiệp đang đứng trước lo lắng khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT.
Để tháo gỡ khó khăn, Bộ NN-PTNT đề nghị doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp đã có hàng xuất đi Nga nhưng giao dịch tài chính đang bị đình trệ. Các doanh nghiệp cũng cần làm việc với các hiệp hội ngành hàng như: VASEP, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam… để bàn giải pháp xử lý khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường Nga và Ukraine.
Để sớm ổn định giá cả nguyên liệu đầu vào, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước, thu hút doanh nghiệp tăng cường đầu tư để chủ động trong đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống chế biến và logistics nông nghiệp.
Khi bất ổn xảy ra, thương mại nông sản giữa Việt Nam với Nga và Ukraine sẽ suy giảm đáng kể do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Các doanh nghiệp hiện nay đều phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác… |