Xung đột Nga - Ukraine: Hệ lụy lên sức khỏe và kinh tế

Tối 3-3 (giờ Việt Nam), tại Belovezhskaya Pushcha thuộc vùng Brest của Belarus, giáp giới với  Ba Lan, Nga và Ukraine đã tiến hành vòng đàm phán thứ hai nhằm đạt một thỏa thuận ngừng bắn và nhu cầu mở hành lang nhân đạo.

Cảnh báo của WHO 

Theo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), tính đến ngày 3-3, đã có hơn 1.000.000 người rời khỏi Ukraine và con số này dự kiến tăng lên nhanh chóng. Hơn một nửa trong số những người trốn khỏi Ukraine đã sang nước láng giềng Ba Lan, Hungary, Moldova và Slovakia. Trước tình hình này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình khẩn cấp về nhân đạo, đồng thời cảnh báo sự dịch chuyển dân số quy mô lớn sẽ góp phần làm lây lan Covid-19, kéo theo nguy cơ gia tăng số ca bệnh trở nặng, gia tăng sức ép đối với hệ thống y tế ở các nước láng giềng, có thể tạo ra những biến thể mới của SARS-CoV-2. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu quan ngại tình trạng thiếu ôxy dự trữ sẽ ảnh hưởng tới khả năng điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 cũng như bệnh nhân khác. WHO cũng kêu gọi thiết lập một hành lang an toàn để đảm bảo rằng nhân viên nhân đạo và hàng viện trợ có thể đến với những người đang cần sự trợ giúp.

Trẻ em Ukraine chạy tị nạn và được trú ẩn tại nhà ga xe lửa Przemysl, Ba Lan ngày 3-3. Ảnh: AP
Trong ngày 3-3, theo TASS, các binh sĩ Nga đã chuyển hơn 30 tấn thực phẩm viện trợ nhân đạo từ khu vực Belgorod đến các khu định cư của người dân Ukraine gần biên giới Nga - Ukraine ở khu vực Kharkov. 

Nga chuyển trọng tâm kinh tế

Ngày 3-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể gây tác động lớn đối với lĩnh vực thương mại, nhất là thương mại nông sản và thực phẩm, và đẩy giá năng lượng tăng cao, qua đó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.

Phái đoàn Ukraine (trái) và Nga trong cuộc gặp tại Belarus ngày 3-3. Ảnh: TASS
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow không từ bỏ hợp tác kinh tế với phương Tây, nhưng trọng tâm sẽ được chuyển sang hợp tác Á - Âu. Hãng tin Sputnik ngày 3-3 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Pankin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Krasnoyarsk cho hay: “Mặc dù chúng tôi không từ chối hợp tác với phương Tây, Tây Âu, nhưng sẽ có sự chuyển hướng điểm nhấn sang hợp tác Á - Âu. Nếu siết chặt tình hình xung quanh Nga... trong những điều kiện như hiện nay, nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng, tiến trình kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng”.


Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới đã ra quyết định có hiệu lực ngay lập tức về việc ngừng tất cả dự án đang tiến hành ở Belarus và Nga. Bên cạnh các biện pháp trừng phạt siết chặt lĩnh vực ngân hàng, theo Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang nghiên cứu những giải pháp ngăn chặn các cá nhân hoặc doanh nghiệp sử dụng tiền mã hóa để né tránh các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đối với Ukraine.

Với 141 phiếu thuận trên 193 nước thành viên, đạt tỷ lệ đồng thuận 73%, Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 2-3 đã thông qua Nghị quyết kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine. 35 quốc gia bỏ phiếu trắng và 5 nước bỏ phiếu chống gồm Eritrea, Triều Tiên, Syria, Belarus và Nga. Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc không mang tính ràng buộc thực thi, song có sức mạnh mang tính biểu tượng, thể hiện sự nhất trí của cộng đồng quốc tế trong việc kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các vấn đề xung đột. 

Ngày 3-3, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt các hành động quân sự ở Ukraine, đồng thời khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi, bằng mọi cách thức có thể, cho đối thoại hòa bình.

Tin cùng chuyên mục