Cùng thời điểm, Mỹ cho biết sẽ rút một trong các tàu sân bay ra khỏi Trung Đông. Theo ABC News, tàu sân bay USS Gerald Ford sẽ rời khu vực sau 3 lần gia hạn triển khai, kể từ khi bắt đầu xảy ra xung đột Israel - Hamas. Trong diễn biến khác, Israel tuyên bố sẵn sàng cho phép mở hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ tới Dải Gaza thông qua hành lang trên biển xuất phát từ Cyprus, đồng thời cho biết có 4 nước châu Âu có thể tham gia kế hoạch này.
Theo đề xuất được Cyprus đưa ra hồi tháng 11, tàu chở hàng cứu trợ sẽ được tập kết và kiểm tra an ninh tại cảng Larnaca của nước này trước khi tới bờ biển Gaza cách đó 370km mà không đi qua Ai Cập hay Israel. Nếu được triển khai, đây sẽ là lần đầu tiên Israel nới lỏng lệnh phong tỏa hàng hải đã được áp đặt với Dải Gaza từ năm 2007, khi phong trào Hồi giáo Hamas nắm quyền quản lý vùng lãnh thổ này.
Ý tưởng về hành lang nhân đạo trên biển được nhận định có thể hướng tới đáp ứng nghị quyết vào ngày 22-12 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, theo đó kêu gọi mở rộng các cơ chế nhân đạo. Hiện các nước châu Âu và Arab gửi hàng viện trợ tới Dải Gaza thông qua thị trấn ven biển Al Arish của Ai Cập. Israel cũng tham gia giám sát việc vận chuyển này.
Trong thời điểm giao tranh giữa Israel và Hamas chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc Israel bật đèn xanh cho hoạt động cứu trợ trên biển được cho là một diễn biến tích cực. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết, ít nhất 100.000 người đã sơ tán đến thành phố Rafah của Gaza trong những ngày gần đây.
Ngay thời điểm thế giới bước sang năm mới 2024, một số tên lửa được bắn từ Dải Gaza nhằm vào thành phố Tel Aviv và miền Nam Israel. Lực lượng vũ trang Hamas tuyên bố đã thực hiện 2 cuộc tấn công bằng các rocket M90 để đáp trả vụ không kích Gaza của Israel diễn ra trước đó.